Sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 8 là thời điểm chính mùa mưa ở khu vực Bắc Bộ, do vậy, các đợt mưa lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện trên khu vực và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía bắc.
Trong tháng 8, các địa phương trên toàn quốc cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại khu vực Trung Bộ, tuy chưa bước vào thời kỳ mùa mưa nhưng khu vực cũng có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt mưa diện rộng tập trung vào thời kỳ giữa và cuối tháng. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ gió mùa Tây Nam có khả năng hoạt động ổn định và có cường độ trung bình sẽ tiếp tục gây mưa trên khu vực.
Ngoài ra, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng khoảng 1 - 2 đợt nắng nóng, tập trung ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Những đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài nhưng không gay gắt.
Đặc biệt, trong tháng 8, nhiều khả năng sẽ xuất hiện 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị về phòng chống lụt bão
Trước diễn biến tình hình thời tiết phức tạp, tại cuộc họp tổng kết công tác của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong phòng chống bão lụt; các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ trướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020, các văn bản chỉ đạo có liên quan thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, không chủ quan trong nhận thức, đơn giản trong xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, ý thức phòng, tránh cho người dân để giảm thiểu tổn thất về tính mạng và tài sản.
Bên cạnh đó rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của từng địa phương; khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; kế hoạch quốc gia ứng phó 12 tình huống cơ bản.
Phó Thủ tướng đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì tốt các chế độ ứng trực về lực lượng, phương tiện; sẵn sàng cơ động ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; phối hợp tốt giữa các cơ quan, đặc biệt, giữa Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Khi có bão mạnh đổ bộ vào đất liền, dự báo mưa lớn gây ngập úng, lũ ống, lũ quét cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thu hoạch sớm hoa màu, thủy hải sản, di dời lồng bè, chằng chống nhà cửa, kiên quyết di dời dân sơ tán đến nơi an toàn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.