Tháng 10: Xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 200 tỷ USD

03/11/2018 19:26

(TN&MT) - Chiều 3/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
 

IMG 4763
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi hop báo chiều 3/11


Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Trước đó, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, có đánh giá 3 năm 2016-2018, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, trong đó có các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ cũng đã trả lời chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề được Quốc hội, cử tri quan tâm.

Tại phiên họp hôm nay, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội là kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cao hơn so với lần trước, người thấp nhất cũng đạt 70% cả hai tiêu chí “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. Tuy nhiên kết quả thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn. Điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên 1 bàn tay (có ngón dài, ngón ngắn), song cần chụm lại, đoàn kết, thống nhất để phát triển đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển tích cực, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI tháng 10/2018 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% (trong mức kiểm soát). Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Trong 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.

“Trong 10 tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8%. Tính chung vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 21,4 tỷ USD. Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, về tình hình và nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ đánh giá những kết quả đạt được trong tháng 10 càng củng cố thêm dự báo chúng ta sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh không để văn bản nợ đọng.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết xử lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm (ma túy, giết người, cướp giật, băng nhóm xã hội đen, tín dụng đen…).

Thủ tướng yêu cầu các bộ phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2019 để trình Quốc hội thông qua.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về một vấn đề đang được dư luận quan tâm là thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Theo báo cáo của Bộ, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, kỳ thi năm 2019 cơ bản giữ  ổn định như đã tổ chức trong các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi, phát huy các ưu điểm và khắc phục các bất cập, tồn tại.

Cũng tại phiên họp, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý và kết quả kiểm tra tháng 10 của Tổ công tác.

Hiện còn nợ đọng 04 Nghị định, 01 Quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 03 thông tư.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, trong 10 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 17.411 nhiệm vụ. Trong đó, có 8.792 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.354 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 265 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, giảm 0,1% so với tháng trước).

Trong tháng 10, Tổ công tác đã tiến hành 03 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.

Qua kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ giao của các bộ, ngành về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến rất tích cực so với tháng trước.

Về điều kiện kinh doanh, đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (01 Luật và 21 Nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao, tăng 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước).

Về kiểm tra chuyên ngành, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 10: Xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 200 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO