Tháng 1/2022, nhiều chỉ số kinh tế khởi sắc

Thanh Tùng| 03/02/2022 20:28

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2022, nhiều chỉ số kinh tế nước ta có dấu hiệu khởi sắc. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, xuất nhập khẩu hàng hóa giữ đà tăng trưởng, thu ngân sách đạt khoảng 13% dự toán năm…

Tín hiệu khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1 có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động.

1.jpg
Trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 343,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 là 536,1 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Về hoạt động đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%), bao gồm, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,2% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/1/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 198,1 triệu USD, chiếm 51,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 58,5 tỷ USD

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6%; nhập khẩu tăng 11,5%.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,8 tỷ USD, giảm 15,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 1,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,2%.

Trong tháng 1 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10 tỷ USD, giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,5 tỷ USD, giảm 7,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1 tăng 11,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,8%.

Trong tháng 1/2022 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,2 tỷ USD.

Tháng 1/2022 xuất siêu sang EU ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 5 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 69,2%; nhập siêu từ Nhật Bản 600 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 58,2 triệu USD).

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 xuất siêu 3 tỷ USD; năm 2021 xuất siêu 4,08 tỷ USD; tháng 1/2022 ước tính nhập siêu 500 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, thiên tai xảy ra trong tháng 1 chủ yếu là mưa lớn; sạt lở và bão làm 33,6 nghìn ha lúa và 3,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 215 ngôi nhà bị ngập hư hại, thiệt hại ước tính hơn 561,2 tỷ đồng, gấp 14,5 lần cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là thiệt hại do bão, mưa lớn tại một số tỉnh như: tỉnh Khánh Hòa chịu thiệt hại nhiều nhất với 395,6 tỷ đồng; tiếp đến là các tỉnh Quảng Ngãi 66,5 tỷ đồng; Bình Định 36,8 tỷ đồng; Quảng Nam 31,7 tỷ đồng; Phú Yên 21,8 tỷ đồng…

Trong tháng 1/2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.155 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 2.443 vụ với tổng số tiền phạt 26,4 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 151,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,8% dự toán năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước tính đạt 113,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán năm, trong đó: Chi thường xuyên đạt 85,3 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7%; chi đầu tư phát triển 12,9 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5%; chi trả nợ lãi 15,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15%.

Tác giả trích dẫn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 1/2022, nhiều chỉ số kinh tế khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO