Điều lạ, Than Uyên là 1 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu mà có biểu hiện lãng phí tiền bạc như vậy, liệu có phung phí nguồn vốn ngân sách hay không ?
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Pho, một người dân sinh sống tại thị trấn Than Uyên cho biết: thời gian qua, hàng loạt tuyến đường trước cửa sân vận động và hành lang ven hồ Than Uyên thấy Công ty Anh Quang đào tung lên. Toàn bộ số gạch “quả trám” được nhà thầu chở đi đâu đó cất. Còn phía công ty lại chở đâu về loại gạch vuông (thực chất vẫn chỉ là gạch thôi, có hơn gì nhau). Số tiền lát gạch vỉa hè đó mà chuyển sang làm công trình hay là những việc khác có ích cho đời sống nhân dân, hơn là mang đi lát vỉa hè.
Vỉa hè cũ vẫn còn đẹp và chắc chắn |
Chị N, một người bán nước ở đây bức xúc cho biết: lúc trước, các chị được thuê vỉa hè để bán hàng ở phía trong nhưng giờ phải dọn hết đi để lấy mặt bằng cho nhà thầu thi công. Thực chất vẫn thế, chị Nhung cho biết. Cũng theo chị N, thì dự án lát vỉa hè này khoảng 2,8 tỷ đồng để chỉnh trang đô thị.
Sau đó cạy tung lên |
“Mục sở thị” tại đây, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường quan sát thấy: toàn bộ nền vỉa hè cũ đã được lột lên. Số gạch “quả trám” này còn rất mới chưa cần phải thay.
Trước dấu hiệu lãng phí trên, phóng viên đã đến Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Than Uyên để tìm hiểu về vụ việc có dấu hiệu lãng phí này. Ông Đỗ Mạnh Cường, lãnh đạo BQL cho biết: dự án lát vỉa hè này không phải do Ban QLDA huyện làm chủ đầu tư nên ông không nắm được số vốn bỏ ra đầu tư. Mà đại diện huyện làm chủ đầu tư là Phòng Kinh tế hạ tầng.
Dọn sạch gạch "quả trám" đi |
Phóng viên tiếp tục liên hệ đến ông Nguyễn Chung Thủy, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Than Uyên để đặt lịch làm việc và đề nghị cung cấp thông tin về dự án có nhiều lãng phí này. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của phóng viên, ông Thủy thản nhiên cho biết, dự án này có “vài trăm” thôi mà. Có gì cứ lên tìm lãnh đạo huyện đi. Khi nào có ý kiến từ lãnh đạo huyện, mới cung cấp thông tin.
Phóng viên liên hệ đến ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên để tìm hiểu về vụ việc nói trên nhưng ông Hương sau khi nghe xong phản ánh thì lấy cớ bận rồi cúp máy.
Thay thế bằng gạch vuông |
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: Lai Châu là 1 tỉnh nghèo, nhưng có nhiều công trình bỏ hoang trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là 1 số dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Đã đến lúc Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cần có kế hoạch rà soát lại các dự án kém hiệu quả, các công trình bỏ hoang gây tốn kém kinh phí của nhà nước, trước khi quá muộn.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh các vụ việc tồn đọng tại địa phương này.