Thăm dò mỏ than Đồng Vông – Uông Thượng (Quảng Ninh): Tìm giải pháp “gỡ khó” địa chất phức tạp

Mai Đan| 22/12/2020 11:11

(TN&MT) - Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản vừa tiến hành thẩm định Đề án thăm dò mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng, TP. Hạ Long và TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Theo Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, đơn vị tư vấn thành lập Đề án, để nâng cao hiệu quả công tác thăm dò, trong quá trình thi công cần cập nhật thông tin kịp thời về địa hình, đặc tính các vỉa than, đảm bảo trình tự thi công, điều chỉnh nhiệm vụ các lỗ khoan cho phù hợp.

Cần thiết lập Đề án thăm dò mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng

Theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (QH403), mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng được đầu tư xây dựng các dự án khai thác theo các giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020 gồm 2 dự án: Đầu tư xây dựng mới Dự án khai thác lộ thiên, công suất mỏ đạt 50 nghìn tấn/năm và đầu tư xây dựng mới Dự án khai thác hầm lò tầng lò giếng dưới mức +131, công suất mỏ đạt 600 nghìn tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 gồm 1 dự án, đó là: Đầu tư xây dựng mới Dự án khai thác lộ thiên khu Uông Thượng mở rộng và Đồng Vông, tổng công suất mỏ đạt 650 nghìn tấn/năm.

Công nhân đào lò mỏ Đồng Vông

Để đáp ứng nhu cầu về tài liệu địa chất phục vụ lập, triển khai các dự án đầu tư khai thác, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lập Đề án thăm dò mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng và đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép thăm dò 2065/GP-BTNMT ngày 24/9/2014 (GPTD2065). Đến nay, Đề án đã kết thúc thi công, Báo cáo kết quả thăm dò đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt.

Theo ông Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty VITE, trên cơ sở kết quả tổng hợp tài liệu thăm dò giai đoạn trước trong khu mỏ cho thấy, trong phạm vi ranh giới GPTD2065 về cơ bản đã đánh giá được điều kiện trữ lượng, tài nguyên và đặc điểm cấu trúc địa chất mỏ, tuy nhiên trong giai đoạn này mức độ nghiên cứu mới chỉ tập trung ở phần phía Tây mỏ trên diện tích 7,5 km2. Khu mỏ Đồng Vông - Uông Thượng với diện tích 19 km2 là khu mỏ có đặc điểm địa chất biến đổi phức tạp, vỉa than biến đổi chiều dày lớn, vát mỏng cục bộ, mạng lưới thăm dò hiện tại còn thưa chưa đáp ứng được yêu cầu về tài liệu địa chất (đặc biệt là khu vực thuộc khối phía đông từ đứt gãy F.22).

Với mục tiêu tăng mức độ tin cậy tài liệu địa chất, nâng cấp tài nguyên phục vụ các dự án đầu tư khai thác theo Quy hoạch 403, TKV đã rà soát, bổ sung thêm khối lượng thăm dò trong ranh giới khu mỏ Đồng Vông - Uông Thượng (theo QH403) trình Bộ TN&MT cấp phép Đề án thăm dò giai đoạn đến năm 2020.

Khắc phục khó khăn về điều kiện địa chất phức tạp của khu mỏ

Theo ông Nguyễn Hoàng Huân – Phó Giám đốc Công ty VITE, kết quả tổng hợp tài liệu thăm dò và khai thác thực tế cho thấy, khu mỏ có điều kiện địa chất biến đổi tương đối phức tạp, vỉa than biến thiên chiều dày lớn, nhiều vị trí vỉa vát mỏng cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khai thác. Do đó, để tăng mức độ tin cậy về mặt tài liệu địa chất phục vụ các dự án đầu tư khai thác trong giai đoạn tiếp theo, Đề án thăm dò lần này xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, thăm dò đánh giá, xác định trữ lượng, tài nguyên than khu mỏ Đồng Vông - Uông Thượng từ Lộ vỉa đến mức -600 m, chính xác hóa cấu tạo địa chất, đặc điểm không gian, cấu tạo và chất lượng của vỉa than đạt chỉ tiêu công nghiệp để huy động vào khai thác. Đồng thời, làm sáng tỏ điều kiện địa chất thủy văn – địa chất công trình, đặc điểm đá vách trụ các vỉa than, xác định đặc điểm thành phần lớp kẹp và điều kiện khí mỏ trong khu vực thăm dò.

“Kết quả tổng hợp tài liệu trong khu mỏ theo Đề án thăm dò và Giấy phép số 2065 trên diện tích 7,5 km2 mức độ tin cậy cấp trữ lượng từ mức +131 m đến mức -500 m đạt 90%. Theo QH403, phạm vi các dự án đầu tư khai thác hầm lò được thực hiện trong toàn khu mỏ với diện tích 19,23 km2. Kết quả tổng hợp cho thấy, mức độ tin cậy cấp trữ lượng mới đạt được 73%. Do đó mục tiêu của Đề án lần này là nâng cấp phần tài nguyên 333 lên cấp trữ lượng 122, dự kiến đạt từ 92% đến 96% phục vụ dự án khai thác hầm lò tầng lò giếng dưới mức +131 m, công suất mỏ đạt: 600 nghìn tấn/năm và các dự án mở rộng khai thác trong giai đoạn tiếp theo”, ông Nguyễn Hoàng Huân cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Công ty VITE, đối với phần tài nguyên còn lại dự kiến từ 4% đến 8% không thể nâng cấp được, đây là một tồn tại của công tác thăm dò, vấn đề này sẽ được chuẩn xác lại trong quá trình cấp phép và khai thác.

Góp ý cho Đề án trên, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Ủy viên Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản cho rằng, TKV và Công ty VITE xem xét có thể khoan phá mẫu ở những lỗ khoan thiết kế xen giữa những lỗ khoan đã khoan trước đây, đoạn tương đương với lỗ khoan đó chỉ lấy mẫu toàn bộ khi gặp vỉa than và nóc trụ của vỉa cũng như phần kéo dài xuống sâu; xem xét nghiên cứu đứt gãy FK ảnh hưởng đến cấu trúc mỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm dò mỏ than Đồng Vông – Uông Thượng (Quảng Ninh): Tìm giải pháp “gỡ khó” địa chất phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO