Khoáng sản

Thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng: Đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước

Mai Đan 29/02/2024 - 09:19

(TN&MT) - Sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Đây cũng là một trong những nội dung được Bộ TN&MT vừa xin ý kiến Chính phủ. Theo đó, Bộ đề xuất Nhà nước đầu tư vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả cao nhất cho ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 52 Dự thảo Luật.

11-2-.jpg
Hoạt động thăm dò, điều tra khoáng sản

Lý giải về đề xuất này, Bộ TN&MT cho biết: Khoản 5 Điều 3 Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định “Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”, tuy nhiên trên thực tế, nội dung này chưa được quan tâm thực hiện. Trong khi đó, việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản nhằm đánh giá đầy đủ quy mô, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò là vô cùng quan trọng trong việc quản trị, sử dụng nguồn lực tài nguyên với ý nghĩa là tài sản công, tài sản quốc gia.

Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sẽ được tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoàn trả tiền thăm dò “chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư” theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản cũng như quy định tại Dự thảo Luật “khoản 1 Điều 100”.

Quy định như Dự thảo Luật nhằm bãi bỏ quy trình, thủ tục hành chính về cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, thay vào đó là việc Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản.

Ngoài đề xuất trên, dự thảo mới nhất có nhiều điểm bổ sung cho với các dự thảo trước. Đó là phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm và thực hiện cải cách hành chính; cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục hành chính.

Đồng thời, phân công, phân cấp cho cấp tỉnh, cấp huyện, cụ thể, cấp tỉnh phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; cấp huyện cấp giấy xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV với tổng khối lượng dưới 1 triệu m3 trên địa bàn hành chính của huyện.

Một số điểm mới khác của Dự thảo này là: cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản).

Theo Dự thảo, khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng.

Bên cạnh đó, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác hàng năm; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; làm rõ quy định về chế biến khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng: Đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO