(TN&MT) - Đó là trường hợp đau lòng và đáng tiếc xảy ra tại Bệnh biện Pháp Việt lúc 22h10 ngày 3/11/2013. Thai nhi bị tử vong là bé gái nặng 3,2 kg con của sản phụ Phạm Mai Chi. Bệnh viện Pháp Việt có địa chỉ tại số 6 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7 (TP.HCM), được quảng cáo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng với khẩu hiệu “Niềm tin vào Y đức”.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, anh Lê Ngọc Thắng, chồng của sản phụ Phạm Mai Chi cho biết: Lúc 4h sáng ngày 3/11/2013, vợ anh được đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Pháp Việt do bị đau bụng và ra máu. Tuy nhiên, khi cấp cứu đến Bệnh viện Pháp Việt thì Bệnh viện không có bác sỹ thăm khám mà chỉ có nữ hộ sinh. Nữ hộ sinh đo tim thai và khám qua. Theo khám của nữ hộ sinh vào thời điểm 4h50 phút tim thai tốt, cổ tử cung mở 1cm. Gia đình yêu cầu gặp bác sỹ trực, tuy nhiên yêu cầu của gia đình anh Thắng đã không được đáp ứng mà chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng từ nữ hộ sinh là đến 8h sáng ngày mai (3/11) mới có bác sỹ đến khám và chuyển sản phụ Phạm Mai Chi lên lầu 5 của Bệnh viện nằm theo dõi chờ sinh.
Hình ảnh quảng cáo trên website của Bệnh viện Pháp Việt |
Từ khoảng 4h đến 8h sáng ngày 3/11, sản phụ Phạm Mai Chi không được bất kỳ ai theo dõi, thăm khám tại lầu 5 của Bệnh viện Pháp Việt. Đúng 8h sáng ngày 3/11, gia đình anh Thắng yêu cầu gặp bác sỹ nhưng không có bác sỹ. Đến 9h, gia đình yêu cầu gặp bác sỹ cũng không có. 10h sáng bác sỹ Hiếu đến trong vòng 2 phút và khám qua nhưng không kiểm tra tim thai. Lúc này, bác sỹ Hiếu tư vấn sản phụ có thể ở lại hoặc có thể về nhà vì chưa biết bao giờ sinh, có thể hôm nay cũng có thể vài hôm nữa. Anh Thắng cho biết gia đình đã gọi điện cho bác sỹ Hùng và được bác sỹ Hùng khuyên cho về thoải mái(?!).
11h sáng ngày 3/11, sản phụ Phạm Mai Chi xuất viện về nhà. 20h cùng ngày sản phụ đau bụng và nhập viện. Theo trình bày của anh Thắng: lúc 21h06 phút, anh Thắng gọi điện thoại cho bác sỹ Hùng (người theo dõi mẹ con sản phụ Phạm Mai Chi trong suốt thời gian thai kỳ tại Bệnh viện Pháp Việt). Đồng thời anh Thắng cũng yêu cầu nữ hộ sinh gọi điện cho bác sỹ Hùng hoặc bác sỹ trực của Bệnh viện. Tuy nhiên, nữ hộ sinh trả lời bao giờ cổ tử cung mở 4-5cm thì mới gọi bác sỹ Hùng đến chứ gọi bây giờ làm mất thì giờ của bác sỹ(?!).
21h27 phút ngày 3/11, sản phụ được đẩy xe lăn lên phòng sinh. Gia đình anh Thắng ghi nhận không có bác sỹ vào thời điểm này để khám cho sản phụ. 21h42 phút, Bệnh viện gọi Bác sỹ Hùng. 22h10 phút, Bác sỹ Đạt và Bác sỹ Hùng tới phòng sinh. Thời điểm này bé gái ra đời nhưng theo Giấy bàn giao của điều dưỡng Bệnh viện Pháp Việt là bé đã chết lưu trong bụng(?!). Cũng theo Giấy bàn giao điều dưỡng này, thời điểm 21h57 phút ngày 3/11 ghi nhận không có tim thai.
Anh Lê Ngọc Thắng bức xúc cho biết: Trong suốt thời gian vợ anh quay trở lại Bệnh viện Pháp Việt cấp cứu, rất nhiều lần gia đình yêu cầu cho gặp bác sỹ trực nhưng đều không được đáp ứng. Vậy quy trình tiếp nhận và xử lý bệnh nhân cấp cứu nói chung và sản khoa nói riêng của Bệnh viện Pháp Việt là như thế nào? Tiêu chí của một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế như Bệnh viện Pháp Việt là gì?.
Được biết, trước đó (ngày 1/11), khi sản phụ Phạm Mai Chi khám thai và siêu âm tại Bệnh viện Pháp Việt đã được bác sỹ Hùng ghi nhận tình trạng thai nhi và sản phụ tốt, đầu thai nhi đã xuống thấp. Vì vậy, gia đình anh Thắng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của bác sỹ đã cho sản phụ về nhà mà không thăm khám thai nhi cũng như tình trạng của sản phụ trước khi xuất viện về nhà vào lúc 11h ngày 3/11.
“Nỗi đau này không có gì bù đắp lại được. Từ cái chết oan uổng của con tôi, gia đình chúng tôi mong muốn các cấp ngành chức năng sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bệnh viện Pháp Việt, đồng thời công khai cho xã hội được biết thông tin, tránh lặp lại một lần nữa nỗi đau như vậy tại Bệnh viện Pháp Việt” – anh Thắng xót xa nói.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc.
Việt Đức