Kinh tế

Thái Nguyên trên hành trình phát triển xanh:THU HÚT ĐẦU TƯ XANH CHO TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

Trung Dũng 12/06/2024 - 07:11

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, Thái Nguyên đang tập trung vào 3 vấn đề trọng yếu. Đó là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

z5528279296679_bc0ef22afd76c87b8869f5a741b4b636.jpg

Xác định phát triển bền vững không thể thiếu 1 trong 3 yếu tố: Kinh tế - xã hội - môi trường. Vì vậy, tỉnh Thái nguyên đã và đang nỗ lực cụ thể hóa các mục tiêu thông qua thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt.

KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG LẤY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Thái Nguyên là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển công nghiệp; các hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh, đóng góp tỷ trọng đáng kể cho sự phát triển của đất nước. Tỉnh xác định, phát triển kinh tế - xã hội phải luôn gắn với triển khai thực hiện tốt vấn đề môi trường. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, cơ chế song phương, đa phương và xã hội hóa trong lĩnh vực BĐKH và BVMT. Đồng thời, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ gây nguy hại đến môi trường hướng đến tăng trưởng xanh, các - bon thấp.

z5528279296679_bc0ef22afd76c87b8869f5a741b4b636.jpg

Thái Nguyên đang nỗ lực để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững

Quan điểm nhất quán trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, cương quyết từ chối các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nguyên liệu, năng lượng, xả thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, xem xét ngay trong giai đoạn đầu tư của các dự án các vấn đề về công nghệ sản xuất, xử lý chất thải... Đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm thực hiện việc tái sử dụng, tái chế chất thải. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã có các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; tái sử dụng xỉ thải các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép để sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng đầu mẩu gỗ thải, vỏ cây làm nhiên liệu cung cấp nhiệt...

z5528685880832_82efc0b4157cddfd7fa9948557d4f123-1-.jpg
Khu công nghiệp Yên Bình - Tỉnh Thái Nguyên

Nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi các - bon thấp, đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tỉnh đã và đang thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ

Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là tỉnh thứ 5 hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Đây chính là nền tảng để kiến tạo cơ hội, đưa kinh tế tỉnh tăng tốc toàn diện, nhất là trong thu hút các dòng vốn đầu tư.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang xúc tiến hợp tác với các tỉnh trong vùng trung, du miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội để thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong Quy hoạch vùng Thủ đô, Quy hoạch vùng trung du, miền núi phía Bắc và Quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha, sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư.

z5528687217123_d71a0390344831e98575f76ec1ac4a49-1-.jpg

Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công các dự án đầu tư công trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với vùng, với các khu, cụm công nghiệp. Cụ thể như tập trung đầu tư tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, Đường Vành đai V, đoạn Phú Bình kết nối với tỉnh Bắc Giang.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung vào xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, PCI xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, SIPAS xếp thứ 2/63 tỉnh/thành phố; PAPI xếp thứ 2/63 tỉnh/thành phố; Chỉ số cải cách hành chính Par index xếp thứ 6/63 tỉnh/thành phố.

img-1812-filtered-961.jpg
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Tỉnh Thái nguyên xác định, phát triển kinh tế phải luôn gắn với triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đến hết năm 2023, Thái Nguyên đã có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 93,7%; có 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,02%, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Thái Nguyên định hướng ứng phó BĐKH trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất liên ngành, liên vùng; đáp ứng yêu cầu trước mắt với lâu dài, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, dựa vào nội lực là chính; BVMT phải theo phương châm hài hòa, thúc đẩy các nhiệm vụ đa mục tiêu, đồng lợi ích giữa các bên. Ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách, chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với chất thải rắn, nước thải, khí thải, chú trọng kiểm soát tại các KCN, CCN; tăng cường phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT ở các cấp, các ngành.

Với những kết quả bước đầu như trên đã giúp Thái Nguyên tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 886 dự án với số vốn đăng ký đạt 185 nghìn tỷ đồng. Có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD. Đồng thời, năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành địa phương được xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số xanh cấp tỉnh. Điều này đã phản ánh sự quan tâm sát sao của tỉnh Thái Nguyên trong các vấn đề về môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên trên hành trình phát triển xanh: THU HÚT ĐẦU TƯ XANH CHO TƯƠNG LAI BỀN VỮNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO