Đến xóm Ao Vàng, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên gặp gỡ với một số người dân bản địa để tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây. Bà Phó Thị Sinh, 63 tuổi, dân tộc Sán Dìu, người đã viết đơn phản ánh với cơ quan báo chí, chính quyền địa phương nhiều vấn đề liên quan đến bụi, nước giếng khơi bị ô nhiễm do đổ tro, xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn. Bà Phó Thị Sinh lo lắng cho biết: “Tôi bị toét mắt do bụi tro xỉ bay vào. Hàng ngày, tôi rửa mặt bằng nước giếng khơi cũng bị ô nhiễm. Tôi rất bất an khi sinh sống ở đây. Tôi thấy nhiều người ở làng bị viêm đường hô hấp lắm. Tôi đề nghị công ty lấy hết phần đất khoảng 1200 m2 gồm cả nhà và đất vườn để tôi đi nơi khác ở.”
Bà Nguyễn Thị Sáng ở cùng xóm Ao Vàng, gần nhà bà Sinh cũng cho hay: “Ở đây, nước giếng nhà tôi có vị lợ lợ, nồng nồng. Mùa đông thì hay có bụi bay bám vào lá cây. Đêm khó ngủ vì ngửi thấy mùi khét. Tôi lo lắng cho sức khỏe nên thường đi xin, mua nước của hàng xóm về dùng mới yên tâm.” Còn đối với ông Trần Văn Ba cũng ở xóm Ao Vàng lại quan tâm đề nghị: “Công ty nhiệt điện Cao Ngạn cần phải khắc phục bụi khi đổ tro xỉ thải. Lót bạt để tránh nước mặt tràn ra môi trường thì người dân sẽ hết lo lắng bị ảnh hưởng sức khỏe.”
Phóng viên đã đến gặp ông Đoàn Việt Dũng, chủ tịch UBND xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên để làm rõ thực hư vấn đề ô nhiễm môi trường ở xóm Ao Vàng và động cơ phát sinh đơn thư từ cơ sở. Ông Dũng đã chia sẻ thông tin: “Lãnh đạo xã đã nhận được đơn thư, ý kiến của nhân dân, cụ thể là bà Phó Thị Sinh đã đến xã gặp chủ tịch đề nghị được giải quyết hỗ trợ tiền nhà và đất để chuyển đi nơi khác ở. Đó là mục đích chính của người dân này. Trước đây, khi công ty nhiệt điện Cao Ngạn đổ tro xỉ có bụi. Nước trong bể chứa tro xỉ có màu xanh ve. Nhưng đến nay, công ty đã khắc phục rồi. Phần nữa, bà Sinh phản ánh nước giếng bị ô nhiễm thì nhiều cơ quan chức năng của bộ, tỉnh, thành phố đã đến lấy mẫu nước đi kiểm tra. Kết quả cho thấy các chỉ số hợp chuẩn. Tuy nhiên, gia đình bà Sinh không tin vào kết luận, kết quả kiểm tra mẫu nước giếng của ngành chức năng. Để khách quan và thuyết phục hộ dân này, UBND xã Cao Ngạn đã chủ động mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, sở Y tế Thái Nguyên về lấy mẫu nước giếng khơi đem đi kiểm tra độc lập. Việc này chỉ xã và gia đình bà Sinh biết. Kết quả kiểm nghiệm về vi sinh vật, hóa lý đều bình thường ở ngưỡng cho phép, không phát hiện có gì bất thường. Vậy nhưng, hộ bà Sinh vẫn không tin vào khoa học, vẫn muốn công ty mua đất nhà của gia đình với giá cao đến hơn tỷ đồng. Việc làm này thật khó giải quyết vì nó không đúng quy định. Đất đai, nhà cửa của hộ gia đình bà Sinh đều nằm ngoài phạm vi, ranh giới đất nhà máy gạch không nung của công ty Nhiệt điện Cao Ngạn được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép. Công ty này không có nhu cầu mở rộng phạm vi đất đai phục vụ sản xuất thì không thể lấy đến đất của người dân được. Vì nếu công ty Nhiệt điện Cao Ngạn cố ý mua đất của bà Sinh thì sẽ bị thanh tra xử phạt vì sử dụng đất ngoài phạm vi được cấp phép. Do vậy, yêu cầu của hộ bà Phó Thị Sinh thật bất hợp lý.”
Tiếp tục thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu về đất đai và môi trường, nhóm phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo công ty Nhiệt điện Cao Ngạn để làm rõ hơn trách nhiệm của đơn vị. Ông Ngiêm Xuân Chiến, Giám đốc công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đã cho biết: “Công ty đã tiếp nhận thông tin, đơn thư của người dân xóm Ao Vàng và hộ bà Phó Thị Sinh phản ánh về tình trạng ô nhiễm. Công ty đã có nhiều đầu tư, giải pháp về bảo vệ môi trường tại bãi tập kết tro xỉ phục vụ sản xuất gạch không nung tại xã Cao Ngạn. Cụ thể, để giảm thiểu bụi phát tán trong không gian bãi thải, công ty đã tổ chức đào hào, đào ao chứa nước quanh khu bãi chứa; Trồng cây xanh xung quanh bãi thải, xây dựng hệ thống phun nước tự động dập bụi tại nơi đổ thải; Lắp đặt camera tự động giám sát các lái xe tải vi phạm quy định của công ty khi gây tiếng ồn trên bãi tập kết tro xỉ; Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên xin phép thay đổi một số nội dung trong báo cáo đanh giá tác động môi trường(ĐTM) của dự án với các nội dung như thay thế đê quai kè bằng công trình đê quai đất sét được đầm nén chặt; thi công hồ gom nước mặt thể tích 3000m2 có lót đáy bằng bạt nhựa HDPE dày 1.5mm, có độ bền khoảng 20 năm để chống thấm. Việc này đã được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý chấp thuận cho công ty thực hiện nội dung trên.Đơn vị đã bắt đầu thi công và đang hoàn thiện hệ thống bể gom nước mặt có lót bạt nhựa HDPE và sẽ hoàn thành vào quý 4 năm 2018. Công ty đã tiến hành quan trắc lấy mẫu nước ngầm, nước giếng khơi của hộ bà Phó Thị Sinh đem đi kiểm nghiệm trước sự chứng kiến của người dân, ngành chức năng, chính quyền địa phương. Kết quả mẫu nước đều nằm trong giới hạn cho phép. Đồng thời, sẵn sàng tiếp thu lắng nghe ý kiến của nhân dân sở tại, chính quyền địa phương, tổ chức nhiều buổi gặp mặt, đối thoại với bà con nhân dân về đất đai, môi trường và tổ chức mời bà con nhân dân tham quan hiện trường sản xuất và các công trình bảo vệ môi trường. Còn việc mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh liên quan đến đất đai của dân thì chúng tôi hiện tại chưa có nhu cầu, chưa có kế hoạch. Công ty đã giải thích các quy định của pháp luật nhà nước cho hộ bà Sinh rất nhiều lần. Việc đòi hỏi của hộ bà Sinh là vượt quá giới hạn quy định của pháp luật và nằm ngoài khả năng của đơn vị.”
Thực tế, khu bãi tập kết tro xỉ phục vụ sản xuất gạch không nung của công ty Nhiệt điện Cao Ngạn tại xã Cao Ngạn đã được cải tạo rất tích cực nhằm bảo vệ môi trường. Cụ thể, hệ thống ao quanh bãi thải đã nuôi cá, nước trong. Vườn cây keo đã cao trên 5m lá xanh không thấy phủ bụi như người dân phản ánh. Cây xanh đã che kín nhà dân xung quanh như hàng rào xanh. Hệ thống bể gom nước mặt đã được lót bạt chống thấm. Giàn phun nước tự động hoạt động tốt góp phần ngăn chặn không để bụi tro phát tán trong không gian…