Thái Nguyên: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là tiền đề đột phá thu hút đầu tư

26/12/2018 16:30

(TN&MT)- Thái Nguyên là “cửa ngõ” giao lưu KT-XH giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ, là cái nôi của nền công nghiệp,  là một trong 3 trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước… Từ trước năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, coi đó là bước đột phá, là tiền đề trọng yếu để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

IMG6
Thi công Cầu Dẽo-một phần của dự án: Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT261 đoạn từ Km46+200 – Km49+982 và cầu Dẽo tại lý trình Km45+136. Tổng mức đầu tư: 40 tỷ đồng. Khởi công từ đầu tháng 11 năm 2018, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2019.

Thực tế đã chứng minh, sau khi nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến giao thông, cùng các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch đã tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư của Thái Nguyên, đưa địa phương trở thành điểm sáng của khu vực trung du, miền núi phía Bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc top đầu các tỉnh thành Việt Nam…

IMG5a
Dự án: Xây dựng, tạo cảnh quan đất xen kẹp giữa đường gom QL 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) với đường Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên).  Tổng mức đầu tư công trình: 24,45 tỷ  đồng. Công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao đưa vào sử dụng.

Khởi nguồn là phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ 10 năm trước đây. Đảng bộ, chính quyền đồng hành cùng nhân dân đã thực hiện thành công cuộc vận động phát triển giao thông, tăng cường giao thương, tạo động lực đánh thức tiềm năng của các địa phương. Điều này đã tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới thành công bước đầu và mở ra hướng đi mới có tầm nhìn xa hơn.

IMG5
Dự án: Đường nối QL3 mới (HN-TN) - Khu công nghiệp Yên Bình (đoạn từ Km3+519 – Km5+434,18) và Đường ĐT261 (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư 144 tỷ đồng. Vốn hỗ trợ từ ngân sách TW có mục tiêu cho phát triển kinh tế các vùng.

Đặc biệt, để thu hút đầu tư mạnh, phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng đưa Thái Nguyên từ tỉnh trung du miền núi thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, điều tiên quyết các nhà lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã nghĩ tới và tổ chức hành động đó là phải khẩn trương cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống đường giao thông trọng yếu đi qua “vùng kinh tế công nghiệp sôi động”. Vì thế, sau khi vận động xây dựng xong Quốc lộ 3 mới(Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên); nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ; xây dựng tuyến mới Thái Nguyên-Chợ Mới(Bắc Kạn)… đã thúc đẩy các huyện, thành, thị của tỉnh Thái Nguyên có điều kiện phát triển KTXH nhanh và bền vững.

IMG1a
Dựa án: Mở rộng Khu tái định cư Tân Hoa phục vụ GPMB đường vành đai V. Tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng.

Để tạo thành “vùng kinh tế công nghiệp sôi động” ở các huyện, thành, thị phía nam của Thái Nguyên, điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình là mặt bằng và hệ thống đường giao thông thuận lợi, thông thoáng, kết nối khoa học có tầm nhìn xa…Chính vì thế, trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nhiều nguồn vốn, rót hàng trăm, hàng nghìn tỷ cho xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông. Đặc biệt các tuyến đường huyết mạch có vai trò kết nối các trung tâm vùng luôn được ưu tiên đầu tư và gấp rút triển khai thực hiện như các dự án: Cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT261 đoạn từ Km46+200 – Km49+982 và cầu Dẽo tại lý trình Km45+136; Xây dựng, tạo cảnh quan đất xen kẹp giữa đường gom QL 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) với đường Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) thuộc Dự án Đường gom QL 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) đoạn từ Khu công nghiệp Yên Bình đến đường tỉnh ĐT 266 (KCN Điềm Thụy); đường nối QL3 mới (HN-TN) - Khu công nghiệp Yên Bình (đoạn từ Km3+519 – Km5+434,18) và Đường ĐT261 (giai đoạn 1); Mở rộng Khu TĐC Tân Hoa: phục vụ GPMB đường vành đai V và đặc biệt là dự án đường vành đai 5 Vùng thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trung đại lộ Đông – Tây, khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt Sông Cầu). Tất cả các tuyến đường này đều tạo sự kết nối giữa trục công nghiệp Sam sung Phổ Yên, Khu công nghiệp Điềm Thụy(Phú Bình) với các xã, thị trấn, vùng tiềm năng bên kia Sông Cầu thuộc địa phận huyện Phú Bình để giảm tải cho khu công nghiệp Yên Bình. Đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại Thái Nguyên trong nhiều năm tới.

IMG1
Dự án: Đường vành đai 5 Vùng thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trung đại lộ Đông – Tây, khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt Sông Cầu). Khởi công đầu tháng 10 năm 2018 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Dự án vành đai V Thái Nguyên là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, tạo thành trục chính giữa tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình) sẽ rút ngắn thời gian, quãng đường từ Thủ đô Hà Nội các tỉnh, thành khu vực miền Bắc đến với Thái Nguyên, thúc đẩy phát triển KTXH và thu hút đầu tư.

Dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tháng 7/2017 (thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020), tổng vốn đầu tư 966,4 tỷ đồng. Dự án có chiều dài toàn tuyến 9,16km với điểm đầu thuộc địa phận xã Nga My, điểm cuối nối với nút giao Yên Bình. Bề rộng nền đường 33m, bề rộng mặt đường 24m, trên tuyến sẽ có cầu vượt sông Cầu và cầu Kênh Tây. Tổng diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án là 40ha, khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án trên 250 tỷ đồng.

Quy hoạch đường vành đai V có tổng chiều dài hơn 385 km (không bao gồm khoảng 41km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long,  Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và QL3), đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô lớn, quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển KTXH và an ninh quốc phòng toàn vùng, của quốc gia, quốc tế.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: “Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp số 01, 02, 03, 04 và đã và đang tổ chức bàn giao hiện trường để triển khai thi công. Cả 4 gói thầu này đều được đấu thầu rộng rãi trong nước, công khai, minh bạch, đúng quy trình. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục chính để đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Dự án đường vành đai V Thái Nguyên nằm trong quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội là một công trình giao thông trọng điểm của địa phương và có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, thu hút đầu tư, phát triển KTXH của địa phương. Bởi, tuyến đường vành đai V Thái Nguyên đi trùng Đại lộ Đông - Tây sẽ là trục xương sống cho Khu tổ hợp Yên Bình rộng 8.000ha, nối QL37 với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án sẽ rút ngắn quãng đường từ huyện Phú Bình xuống đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện gần 30km sẽ chỉ còn 10 km.Trong Bản đồ quy hoạch đường vành đai V Thái Nguyên thì ngoài lợi thế từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Đại lộ Đông Tây, đường vành đai V còn nối QL37 tại thị trấn huyện Phú Bình với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình. Đây sẽ là những lợi thế về giao thông vượt trội cho những dự án đang và sẽ triển khai tại tuyến đường vành đai V qua Thái Nguyên”.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò là chủ đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng yếu.Ban đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường vành đai V qua Thái Nguyên. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ tạo điểm nhấn quan trọng, thể hiện tầm nhìn xa của tỉnh Thái Nguyên trong chính sách thu hút đầu tư giai đoạn mới, giúp địa phương nhanh chóng đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đã đặt ra.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là tiền đề đột phá thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO