Khu vực đất độn lên gây sạt lở sườn núi Hồng tại xóm Ao Soi, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. |
Theo chân người dân địa phương trèo núi Hồng mất khoảng 4 giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến trên diện tích rộng 30 đến 40 ha ngang sườn núi Hồng là cảnh tượng cây rừng chết héo. Đất đá sạt trượt ngổn ngang. Nhiều vết nứt lớn kéo dài dọc núi từ đỉnh hướng xuống chân núi. Đất tươi rói độn lên vùi lấp cỏ cây. Rừng keo đang đến tuổi khai thác đổ nghiêng ngả. Gốc rễ trộc lên khỏi mặt đất. Nhiều tảng đá mồ côi nặng hàng trăm tấn lăn xa vài ba chục mét.
Chị Vi Thị Hiền dân tộc Sán dìu ở xóm Ao Soi, xã Na Mao, huyện Đại Từ cho biết: Hiện tượng nứt núi mới xảy ra. Hôm đó, tôi cùng mấy người trong xóm lên thăm bãi cây thì thấy mặt đất rung rung, núi Hồng cựa mình. Đất, đá lở rào rào. Vài ngày sau lên núi lại thấy những vết nứt ngày càng rộng ra. Chúng tôi không dám lên để khai thác cây vì sợ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Do đất độn lên nên keo rừng sản xuất của người dân bị bật gốc rễ chết. |
Anh Vi Văn Giáp, anh Vi Văn Toàn (xóm Ao Soi, xã Na Mao) dẫn chúng tôi đến khu đất của gia đình chị Hiền để xem nhiều khe nứt lớn. Cây sữa già trăm tuổi tại khu dõng ông Quân đã chết héo và đổ nghiêng, sê dịch khỏi vị trí ban đầu khoảng 7 mét.
Cây Sữa già bị bật gốc sê dịch khỏi vi trí ban đầy khoảng 7m. |
Ở phía trên sườn núi Hồng nơi xảy ra hiện tượng nứt núi, có mỏ than Yên Phước đang hoạt động khai thác. Công ty cổ phần Yên Phước đã thoả thuận, bồi thường cho người dân địa phương đối với diện tích bị đất, đá thải vùi lấp thời gian vừa qua.
Ông Nguỵ Quang Thuyên, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước lý giải: Vị trí sườn núi Hồng bị sạt lở, nứt đất nằm cách bãi thải mỏ than Yên Phước từ 150 đến 300 mét. Hiện tượng trên có thể do ảnh hưởng bởi dung chấn động đất xảy ra tại Cao Bằng thời gian vừa qua. Một số cửa kính tại Văn phòng mỏ Yên Phước ở bên trên cũng bị nứt, vỡ. Hoặc trong lòng núi Hồng cũng có thể có một sang chấn nhỏ khiến đất đá độn lên. Toàn bộ đất đá, xít than bãi thải của mỏ không thấy rơi xuống khu sạt lở mà toàn là đất mới độn lên. Hiện tượng địa chất này rất cần các nhà khoa học vào nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.
Nhiều vết nứt dọc xé toạc sườn núi Hồng. |
Hiện tượng sạt lở, nứt đất tự nhiên tại sườn núi Hồng thời gian gần đây là rất đáng lo ngại. Qua quan sát thấy, trên sườn núi Hồng có lượng đất màu pha cát lẫn đá mồ côi đang trong quá trình phong hóa. Với dạng địa chất không ổn định này nếu gặp mưa lớn xuất hiện sẽ kéo theo tình trạng sạt trượt, vùi lấp rừng, đất sản xuất, đặc biệt là đe doạ sự an toàn, cuộc sống của một số hộ dân ở phía dưới. Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương xác định nguyên nhân độn đất, nứt núi Hồng và có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân.
Hòn đá lớn hàng trăm tấn đã lăn xa khoảng 30m xuống khu bãi bằng trên sườn núi Hồng. |
Ông Nguỵ Quang Thuyên, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước cho biết thêm: Công ty chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân sạt lở, nứt đất sườn núi Hồng. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị chính quyền địa phương cho mở rộng bãi thải, theo dõi diễn biến hiện tượng tự nhiên này để có biện pháp bảo đảm an toàn.
Một vết nứt ngang sâu khoảng 2m chạy dài hàng chục mét trên sườn núi Hồng. |
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng ngành chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp cảnh báo sớm cho người dân địa phương đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản. Nếu là thiên tai thì cần trích quỹ phòng chống thiên tai, lụt bão để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại rừng sản xuất vùi lấp do nứt núi, độn đất và sạt lở trên sườn núi Hồng.