Thái Nguyên: Hạ lưu sông Công bị “bóp nghẹt”

16/07/2018 08:59

Rất dễ nhận thấy, hàng chục năm nay, hoạt động kinh doanh vận tải, bốc dỡ hàng hóa khu vực cầu Đa Phúc luôn luôn hối hả. Hàng hóa là cát sỏi, gạch ngói…được vận chuyển theo đường sông từ nhiều nơi về đây. Và dăm gỗ, quặng sắt, than, xi măng.v.v.từ Thái Nguyên cũng dồn về các bến bãi khu vực này để xuống tàu đi muôn nơi. Vì nằm ở vị trí đắc địa, thuận đường bộ, tiện đường thủy nên nhiều hộ cá thể và nhiều doanh nghiệp  đổ xô về đây thuê mặt bằng, mở bến bãi kinh doanh kiếm lời. Quan sát kỹ, thấy rõ sự khác biệt của hai bờ sông Công khu vực cầu Đa Phúc. Dọc bờ sông Công, thuộc thôn Sông Công, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, xuất hiện nhiều bờ kè bê tông cũ, mới rất kiên cố, ăn hẳn ra dòng chảy của sông Công. Theo ông Đỗ Văn Hào, trưởng thôn Sông Công, xã Trung Giã huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho biết: “Một số hộ dân trong thôn kinh doanh vật liệu xây dựng. Họ mua cát sỏi từ Việt Trì, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều nơi khác về tập kết ở các kho bãi bên bờ sông.

(TN&MT) - Hiện mới vào mùa mưa bão năm 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân sinh sống hai bên đầu cầu Đa Phúc, khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên phản ánh tình trạng lấn chiếm dòng chảy, bến, bãi tập kết hàng hóa đã lấn chiếm dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ. Mặt khác nhiều bến bãi không phép vẫn hoạt động bình thường bất chấp các quy định của pháp luật. 
1 (1)
Cát sỏi được đổ đống cao tại 2 bên sông Công, đã thu hẹp dòng chảy, đoạn qua cầu Đa phúc.
2
Nhiều đoạn kè bằng bê tông bị “dân tố” đã xây lấn ra dòng chảy sông Công.

Do sợ mưa lớn, cát sỏi chảy xuống sông nên họ cạp bờ sông bằng bê tông để ngăn cát chảy và thuận tiện cho việc đặt băng chuyền hàng hóa từ tàu thuyền lên bãi và ngược lại hàng hóa từ bãi chứa trôi xuống tàu, thuyền. Tất cả các bến bãi này đã có từ lâu nhưng không hộ kinh doanh nào có phép. Chúng tôi đề nghị nhiều lần nhưng thành phố Hà Nội chưa có phản hồi”… Không những thế, từ đầu cầu Đa Phúc-phía bờ Hà Nội ra đến hết nhịp 1 đã bị các hộ dân lấn chiếm hoàn toàn. Cụ thể, chân cầu đã bị biến thành nhà ở tạm, đường vận tải, kho chứa tập kết hàng hóa. Dòng sông Công uốn khúc chảy cuồn cuộn về đến chân cầu Đa Phúc bị thắt nút lại như cổ chai, cong quèo lại. Do người dân thôn Sông Công, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn gia cố, kè bờ sông, lấn ra dòng chảy khiến cho con nước lũ dồn về, đạp mạnh vào bờ bê tông rồi bật thẳng sang bờ đối diện phía Thái Nguyên. Đã có nhiều mảng bị sói lở. Cầu đường bộ Đa Phúc cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi các bến nằm sát hai trụ cầu đều đang đổ đất đá lấn xuống lòng sông, tạo chỗ chứa vật liệu và biến thành nơi neo đậu phương tiện.

3
Một bến cát không phép hoạt động bình thường lấn chiếm hành lang cầu Đa Phúc.

Khu vực bờ sông Công phía bắc đầu cầu Đa Phúc thuộc địa phận xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đang xuất hiện một số bến, bãi mặc dù chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường... Điển hình như bãi nhà ông Trần Văn Oanh tại khu vực sát chân cầu Đa Phúc hoạt động không phép nhiều năm nay. Chính quyền vận động, ngành chức năng đến xử lí vi phạm thường kỳ. Nhưng khi đoàn kiểm tra đi thì đâu lại vào đấy, mọi hoạt động lại hối hả trở lại bình thường. Nước đục từ các bến bãi xả thẳng xuống dòng sông Công gây ô nhiễm. Được biết bãi tập kết cát sỏi này thuộc tốp lớn trong khu vực. Hiện bãi đang để cát sỏi lấn tràn vào chân và mố cầu Đa Phúc, vi phạm trắng trợn các quy định về an toàn hành lang giao thông cầu đường bộ. Thế nhưng sự việc ấy vẫn ngang nhiên tồn tại ngay trước trụ sở của nhiều cơ quan chức năng quản lí giao thông đường thủy nội địa.v.v. Theo Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên (thuộc Cảng vụ nội địa Khu vực 2 - Cục đường thủy nội địa Việt Nam), trong số 17 bến thủy nội địa đang hoạt động tại Cụm cảng nội địa Đa Phúc, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên, hiện nay vẫn còn 5 bến không có giấy phép nhưng vẫn tồn tại, (trong đó có 01 bến hiện tạm ngừng hoạt động vì chưa có đối tác thuê mới, 4 bến còn lại hoạt động bình thường) đã ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn đường thủy, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương...

5
Gầm cầu đường bộ Đa Phúc bị lấn chiếm làm nơi ở tạm, bến bãi cát sỏi, đường vận tải hàng hóa...

Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên cho biết: Văn phòng Cảng vụ đang quản lý 12 bến, thì cả 12 bến đã được cấp phép. Việc cấp phép hoạt động cho 7 bến là do Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc cấp, còn 5 bến do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cấp. Việc các bến bãi xây dựng đã tuân thủ theo giấy phép được cấp, không có việc các bến, bãi xây lấn dòng chảy. Do đặc thù nhiệm vụ của cảng vụ chủ yếu là quản lý vùng nước, an toàn đường thủy trong khu vực cảng, bến, thu phí và lệ phí trọng tải, phí ra vào cảng bến nên mặc dù biết một số bến hoạt động không phép trong một thời gian dài nhưng đơn vị không đủ thẩm quyền xử phạt, đình chỉ hoạt động mà chỉ báo cáo, kiến nghị về đơn vị chủ quản là Cảng vụ nội địa Khu vực 2 để báo lại cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh - đơn vị cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn xử lý...

7
“Bến cóc” bốc dỡ dăm gỗ trên bờ sông Công.

 

8
Dân “tố” xe tải chở cát sỏi phá đường đê sông Công và gây ô nhiễm môi trường.

Không những thế, người dân hai bên bờ sông Công khu vực cầu Đa Phúc còn bức xúc phản ánh với phóng viên: Dòng chảy bị lấn lấn chiếm thì một nhẽ. Xe quá khổ quá tải chạy hàng hóa phá nát đường đê nhà nước. Khói bụi gây ô nhiễm môi trường đến chục năm nay rồi. Dân kêu mãi chỉ rát cổ. Khả năng có thế lực ngầm nào đó bảo kê cho bến bãi không phép hoạt động thì mới ngang nhiên lộng hành đến thế. Thực trạng này xảy ra trong mùa mưa lũ rất đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản khi nước lũ lớn tràn về. Do vậy, chính quyền thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, ngành chức năng liên quan cần khẩn trương vào cuộc xử lý sớm các sai phạm của bến, bãi không phép, trái phép, tự phát khu vực cầu Đa Phúc để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; khơi thông dòng chảy, thoát lũ trong mùa mưa bão và cũng để chống thất thu ngân sách nhà nước.

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Hạ lưu sông Công bị “bóp nghẹt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO