Thái Bình quản lý nước thải tại các KCN: Nhiều chuyển biến tích cực

Nguyễn Giang| 10/03/2022 09:00

(TN&MT) - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được quan tâm. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải (XLNT) tại các KCN đã có chuyển biến rõ nét.

Phấn đấu 100% KCN có trạm XLNT

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN đang hoạt động, bao gồm: KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Phúc Khánh, KCN Gia Lễ, KCN Cầu Nghìn, KCN Sông Trà, KCN Tiền Hải. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các KCN năm 2021 là 11.550m3/ngày đêm.

Để xử lý lượng nước thải nêu trên, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các công trình XLNT tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng nhu cầu XLNT của các doanh nghiệp.

t6.1.jpg

Công tác xử lý nước thải tại các KCN được tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm.

Thái Bình hiện có 3 KCN (Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ) đã xây dựng trạm XLNT tập trung với tổng công suất xử lý 7.060m3/ngày đêm, đảm bảo công suất XLNT phát sinh từ các KCN này đạt quy chuẩn kỹ thuật xả ra môi trường theo QCVN 40:2011/BTNMT cột A (các Trạm XLNT này vẫn còn dư công suất). Theo đó, kết quả quan trắc chất lượng nước thải của các Trạm XLNT tập trung tại các thời điểm trong năm 2021 (3 tháng/lần), chất lượng nước thải sau xử lý đều đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép xả thải ra môi trường.

Đối với các KCN Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải, mặc dù hệ thống XLNT tập trung đang trong giai đoạn triển khai xây dựng nhưng các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động hầu hết đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm XLNT riêng đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Tại KCN Tiền Hải, thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng biện pháp xử lý và tuần hoàn tái sử dụng nước thải có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hiện có 5 doanh nghiệp có lượng nước thải phát sinh lớn được miễn trừ đấu nối đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm XLNT riêng đạt quy chuẩn kỹ thuật xả thải ra môi trường theo QCVN 40:2011/BTNMT cột A, gồm: Trạm XLNT Công ty Texhong công suất 6.000m3/ngày đêm, Trạm XLNT Công ty Shengfang công suất 800m3/ngày đêm, Trạm XLNT Công ty Tactician công suất 800m3/ngày đêm và Trạm XLNT Công ty Talian công suất 300m3/ngày đêm tại KCN Phúc Khánh; Trạm XLNT Công ty Bia Hà Nội - Thái Bình công suất 1.200m3/ngày đêm tại KCN Sông Trà; Trạm XLNT của Công ty Yazaki công suất 240m3/ngày đêm và các trạm xử lý của các doanh nghiệp khác với công suất nhỏ tại các KCN chưa có hệ thống XLNT tập trung đi vào hoạt động.

Kết quả quan trắc chất lượng nước thải của các trạm XLNT riêng của các doanh nghiệp tại các thời điểm trong năm 2021 sau xử lý đều đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép xả thải ra môi trường.

Nỗ lực kiểm soát nguồn nước thải

Để có kết quả này, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở TN&MT và Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN phải xây dựng trạm XLNT tập trung theo quy chuẩn môi trường. Riêng với KCN mới, phải hoàn thành trạm XLNT trước khi thu hút nhà đầu tư.

Hiện nay, ngoài 6 KCN đang hoạt động kể trên, Thái Bình còn có 2 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng và các dự án thứ cấp là KCN Thaco - Thái Bình và KCN Liên Hà Thái (Green iP1). Tổng diện tích 8 KCN đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch và thành lập là 1.930ha. Tính đến tháng 12/2021, có 160 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động trong các KCN trên địa bàn; đôn đốc các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hạng mục XLNT tập trung cho KCN.

Đối với 3 KCN có hệ thống XLNT tập trung chưa đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào vận hành. Đến nay, KCN Cầu Nghìn đã xây dựng xong hệ thống XLNT tập trung với công suất giai đoạn 1 là 500m3/ngày đêm, hiện đang vận hành thử nghiệm, dự kiến cuối quý I/2022 đi vào hoạt động chính thức; KCN Tiền Hải cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đang lắp đặt thiết bị dự án trạm XLNT với công suất 3.500m3/ngày đêm, dự kiến cuối quý I/2022 đi vào hoạt động chính thức; KCN Sông Trà đã triển khai đầu tư xây dựng trạm XLNT tập trung với công suất xây dựng 3.700m3/ngày đêm, công suất lắp đặt thiết bị là 1.780m3/ngày đêm…

Về lâu dài, việc thu hút đầu tư vào các KCN tại Thái Bình sẽ được triển khai theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của tỉnh; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình quản lý nước thải tại các KCN: Nhiều chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO