Nhà máy xử lý rác ở TP. Thái Bình |
Rác nhiều, gặp khó
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi xã khoảng 2,5 – 3,5 tấn/ngày, thị trấn khoảng 5 – 7 tấn/ngày, thành phố Thái Bình 140 tấn/ngày. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 950 tấn/ngày.
Để thu gom lượng rác thải này, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là hội phụ nữ. Kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải tại các xã, thị trấn chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí, sự nghiệp môi trường và thu phí vệ sinh môi trường từ các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân phát sinh rác thải.
Tuy nhiên, nguồn vốn sự nghiệp môi trường hạn hẹp, mức thu phí vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn chưa tương xứng, tỷ lệ người dân đóng phí chưa cao, các xã không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Vì vậy, kinh phí trả cho công nhân thu gom rác thải tại các xã còn thấp (khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng), không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu và không có các chế độ đi kèm (chế độ độc hại, bảo hiểm y tế…) dẫn đến các công nhân vệ sinh môi trường không yên tâm gắn bó với công việc, hay bỏ việc giữa chừng, khó tìm người thay thế.
Ông Hoàng Văn Ngoạn – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình trao đổi về tình hình quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh |
Trong công tác xử lý rác thải, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Bình, đối với khu vực thành phố Thái Bình, toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại nguồn mà được công nhân vệ sinh tại các phường, xã thu gom từ các hộ gia đình, công sở, trường học, chợ, vỉa hè, lòng đường, các khu công cộng…tập kết tại 31 điểm trung chuyển rác, sau đó vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về Nhà máy xử lý rác thành phố Thái Bình, phân loại sơ bộ và xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp, nhà máy hiện hoạt động 2 lò đốt công nghiệp với công suất 4 tấn/giờ/lò. Phương tiện vận chuyển gồm 16 xe cơ giới chuyên dụng và 150 xe đẩy tay chuyên dụng đáp ứng đủ khả năng thu gom, vận chuyển lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, tại huyện Quỳnh Phụ, có 1 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty cổ phần thương mại Thành Đạt xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn thuộc huyện Quỳnh Phụ với quy mô công suất 50 tấn/ngày. Còn 115 xã, thị trấn vẫn thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức chôn lấp.
Đáng lưu ý, tỉnh có 101 lò đốt rác thải sinh hoạt cho 129 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với công suất thiết kế dao động từ 300 – 1.000kg/giờ. Các lò đốt này được đầu tư với kinh phí 64.495 triệu đồng (500 triệu đồng/xã); hỗ trợ xử lý là 51.528 triệu đồng (15.000/người/năm). Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, lò đốt vận hành chỉ đảm bảo công suất thiết kế ở một hai năm đầu; sau đó hiệu suất lò đốt giảm dần theo thời gian.
Theo điều tra của Sở TN&MT, trong số 92 lò đốt được điều tra, có 4/92 lò đốt hỏng không hoạt động; 35/92 lò có công suất thiết kế thực tế đạt dưới 50% công suất thiết kế ; nhiều lò đốt hoạt động gián đoạn (do phải dừng đốt để khắc phục sự cố, sửa chữa). Sở TN&MT đã lựa chọn và tổ chức quan trắc khí thải của 17/92 lò đốt; kết quả phân tích khí thải cho thấy 17 mẫu khí thải đều không đạt quy chuẩn QVCN 61-MT:2016/BTNMT.
Từ năm 2020, không đầu tư lò đốt rác thủ công
Trong khi dân số trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đất chật, người đông, kinh tế phát triển, tỉnh Thái Bình cũng đối diện với áp lực lớn từ xử lý rác thải.
Để giải quyết tình trạng này, Sở TN&MT Thái Bình đã lập Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất loại hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và sau năm 2020”; thực hiện tổng kết, đánh giá các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh Văn bản số 135/UBND-KTTNMT ngày 13/01/2020 về viêc tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thái Bình sẽ không hỗ trợ đầu tư mới lò đốt rác thủ công, quy mô nhỏ |
Theo đó, từ năm 2020 trở đi, tỉnh không hỗ trợ và khuyến khích đầu tư mới khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ lò đốt thủ công, quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đối với các lò không hoạt động được thì không khôi phục hoạt động. Các địa phương có phương án xử lý theo hình thức liên xã với xã lân cận có lò đốt rác chưa hoạt động hết công suất hoặc có phương án chôn lấp hợp vệ sinh; các lò đốt đang hoạt động cần chú trọng việc vận hành đúng quy trình thiết kế và thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để thiết bị hoạt động hiệu quả. Không đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nâng công suất lò hiện có.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình sẽ chuyển dịch dần và thay thế bằng việc đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cụm xã, cấp huyện hoặc liên huyện. Các nhà máy phải áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng tiếp nhận các loại chất thải rắn sinh hoạt. Tỉnh ưu tiên các công nghệ chế biến phân hữu cơ, công nghệ đốt, các công nghệ tái chế, thu hồi năng lượng, sản xuất các sản phẩm từ các thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt. Các công nghệ xử lý phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không được vượt quá 20% tổng lượng rác thải được xử lý. Công nghệ cũng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, chứng nhận đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Mặt khác, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn theo lộ trình: Đến năm 2025, 50% chất thải rắn sinh hoạt trở lên được phân loại tại nguồn trước khi thu gom về hệ thống xử lý tập trung. Đến năm 2030, 90% chất thải rắn sinh hoạt trở lên được phân loại tại nguồn trước khi được thu gom về hệ thống xử lý tập trung. Triển khai xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình ở một vài địa phương sau đó có biện pháp nhân ra diện rộng.
Sở TN&MT cũng đôn đốc, hướng dẫn UBND huyện công tác quy hoạch, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan đến khu xử lý chất thải rắn tập trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt ở cấp xã, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở TN&MT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý chất thải rắn tập trung (bao gồm ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối đến nhà máy xử lý, ưu đãi việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt) để thu hút được nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn hàng năm để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định; lồng ghép nội dung “Xác định và phân vùng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, xác định phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” vào “Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để thu của các hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Sở Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất các đơn vị thụ hưởng kinh phí sự nghiệp môi trường về thực hiện nhiệm vụ, quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm chi đúng, chi đủ cho người trực tiếp thu gom, xử lý rác.
Về phía UBND cấp huyện cần chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, các lò đốt rác hiện có, duy tu bảo dưỡng thường xuyên để các lò đốt hoạt động ổn định theo thiết kế; đào tạo, nâng cao năng lực cho công nhân vận hành. Nghiêm cấm hành vi đốt chất thải rắn ở bên ngoài lò đốt; không để phát sinh các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng. Không hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho địa phương thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Về phía UBND cấp xã, phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng theo quy định các dự án công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn khi đã được bàn giao, tiếp nhận. Chỉ đạo tổ chức thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn./.