Thái Bình: Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bão Conson

Giang Nguyễn| 10/09/2021 05:41

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thực hiện nghiêm Công văn số 95/PCTT-TL về việc bảo đảm an toàn công trình đê điều, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, sẵn sàng ứng phó với bão lũ.

Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến bão; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thái Bình tích cực kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn trước khi bão Conson đổ bộ

Ghi nhận của phóng viên, đêm ngày 9/9, trên địa bàn Thái Bình đã xuất hiện gió kèm theo mưa lớn làm sập toàn bộ hệ thống nhà bạt của lực lượng liên ngành tại trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cầu sông Hóa (Thái Thụy) và cầu Hiệp (Quỳnh Phụ). Trên 200m2 nhà bạt khung thép cùng nhiều trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch của lực lượng liên ngành đã bị hư hại.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 1.164 phương tiện tàu, thuyền với 3.423 lao động trên biển. Thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bão số 5 trên địa bàn và đơn vị. Theo dõi sát tình hình diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng hệ thống máy thông tin của đơn vị và phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương, thông báo vị trí, diễn biến của bão và hướng dẫn ngư dân thoát ra hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm.

Đến 10 giờ ngày 9/9, BĐBP tỉnh đã kêu gọi được 991 phương tiện/2.899 lao động vào vị trí neo đậu an toàn. Còn 21 phương tiện/205 lao động đang hoạt động trên vùng biển tỉnh khác, 152 phương tiện/319 lao động hoạt động ven biển Thái Bình đang vào bờ. 100% các phương tiện đều liên lạc với gia đình, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Có 35 phương tiện tỉnh ngoài/142 lao động cùng 2 tàu vận tải nước ngoài/43 thuyền viên vào địa bàn tránh trú.

Lực lượng chức năng tỉnh cũng đã triển khai lực lượng lập các tổ chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa sông, cửa biển, cảng cá, bến cá, kiên quyết không để ngư dân ra khơi trước, trong thời điểm bão đổ bộ vào bờ. Phối hợp với các địa phương kêu gọi, vận động lao động tại các chòi canh trong, ngoài đê và các bãi triều nuôi trồng thủy hải sản vào bờ theo quy định.

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã tăng cường lực lượng xuống địa bàn 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải, đẩy mạnh tuần tra trên các khu vực trọng điểm, tuyến đê xung yếu để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống xảy ra không để bị động bất ngờ, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn khẩn trương khắc phục ngập úng cho lúa mùa và rau màu; tuyên truyền để nông dân ra đồng khơi thông dòng chảy, xẻ đường thoát nước mặt ruộng và xung quanh ruộng rau màu để tiêu nước, không để nước ngập gốc cây và đọng trên mặt luống tránh tình trạng ngập úng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bão Conson
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO