Tết xưa và Tết nay khác nhau như thế nào?

28/01/2017 00:00

Cùng với những chuyển biến của xã hội, Tết nay cũng có nhiều đổi khác so với Tết xưa, đặt ra vấn đề cần bảo tồn những giá trị văn hóa trong ngày Tết.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Từ Tết được đọc chệch từ chữ “Tiết”, là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, đây cũng chính là khoảng thời gian nông nhàn, thư thái nhất trong năm. Cũng chính bởi vậy mà xưa kia dân gian có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Sau Tết, từ nông thôn ra thành thị sẽ có hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ khác nhau.
 
Không chỉ là thời gian rảnh rỗi, để nghỉ ngơi sau những ngày bận rộn trong năm, Tết còn là dịp để gia đình sum họp, con cháu nhớ về tổ tiên. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính,Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, sau ngày 23 tháng Chạp khi con cháu đi tảo mộ thắp hương mời ông bà về ăn Tết, lúc này Tết như một cầu nối âm dương, để cả con cháu và gia tiên cùng sum họp.
 
Xưa “ăn Tết”
 
Tết truyền thống của người Việt xưa bao giờ cũng có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ -  Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Nói về ngày Tết truyền thống xưa, PGS.TS Bùi Xuân Đính kể Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Trước ngày này, mọi gia đình đều đi lấy đất, nặn ông đầu rau mới để thay trong ngày ông Công ông Táo. Cũng bắt đầu từ ngày này, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cho mấy ngày Tết.
Nồi bánh chưng luộc mang lại không khí ấm áp cho ngày Tết. (Ảnh minh họa)
Nồi bánh chưng luộc mang lại không khí ấm áp cho ngày Tết. (Ảnh minh họa)
Chiều 30 Tết, mọi nhà đều có nồi bánh chưng luộc để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa. Những gia đình có trẻ nhỏ, có khi còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, thịt thừa, có khi chỉ còn vỏ đỗ chứ chẳng có đỗ xanh cho con trẻ khỏi háo hức. Nhớ Tết xưa là nhớ đến cái mùi hăng hăng đến cay xè khóe mắt của khói củi gộc luộc bánh chưng. Lửa trong bếp lúc nào cũng đỏ rực, cháy bập bùng. Dăm viên gạch cũ xếp chồng lên nhau theo kiểu kiềng 3 chân là thành cái bếp luộc bánh chưng Tết. Xưa kia nồi bánh chưng như trung tâm của các hoạt động ngày Tết.
 
Nay “chơi Tết”
 
Ngày nay, với sự chuyển mình của xã hội, Tết cũng đã khác xưa nhiều. Đã vắng mùi bếp bánh chưng luộc vì phố phường chật chội, cuộc sống cũng bận rộn hơn trước.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính phân tích: Nếu như xưa kia, quanh năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt gà, thì nay trong thời buổi kinh tế thị trường đã cung cấp đầy đủ về đời sống vật chất. Bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ. Thịt gà cũng không còn là tiêu chuẩn cho sự sung túc trong bữa cơm gia đình. Thậm chí không cần ra chợ, mọi hàng hóa còn có thể đặt mua online trên mạng, nên người dân không còn cảm giác háo hức ăn Tết như xưa kia.
 
“Ngày nay, người ta dành nhiều hơn thời gian nghỉ Tết cho hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, thăm bạn bè nhiều hơn… Thậm chí nếu xưa kia, người ta thấy luyến tiếc khi Tết qua đi, thì ngày nay lại mong những ngày Tết kết thúc sớm để trở lại với những công việc khác”,  PGS. TS Đính cho biết.
Tết là thời điểm nhiều gia đình trẻ xách hành lý đi du lịch. (Ảnh minh họa)
Tết là thời điểm nhiều gia đình trẻ xách hành lý đi du lịch. (Ảnh minh họa)
Theo ông, hiện nay dân ta đang chuyển từ “ăn Tết sang chơi Tết”. Cũng nhân dịp này, nhiều gia đình tất bật cuốn gói hành lý, không phải để về quê ăn Tết mà để đi du lịch. Câu hỏi đặt ra là đi du lịch dịp Tết liệu có làm mất đi những giá trị truyền thống? 
 
Thực tế, những năm trở lại đây, không ít gia đình khóa trái cửa đi Tết xa nhà như trở thành một mốt thời thượng. Với lý do, cả năm chỉ có ngày Tết là dịp được nghỉ nhiều nhất trong năm, do đó nhiều gia đình cứ được nghỉ Tết lại đi du lịch.
 
Nói về vấn đề này, PGS.TS Đặng Hoài Thu, Trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Khi cuộc sống thay đổi, điều kiện sống thay đổi, mọi sinh hoạt thay đổi, mức sống thay đổi, nhu cầu của con người theo đó cũng thay đổi, đương nhiên Tết cũng phải chuyển mình". Với những điều kiện vật chất hiện nay đặt ra cho con người nhu cầu và khả năng chi trả cho những chuyến du lịch cuối năm. 
 
PGS.TS Hoài Thu cho rằng nếu như coi Tết là thời điểm để cả gia đình đoàn tụ sum họp, sẽ không mất đi ý nghĩa nếu như cả gia đình đều đi. Còn đối với những gia đình theo tam đại, tứ đại đồng đường, con cái đi du lịch, để lại bố mẹ, ông bà ở nhà đón Tết thì lại không nên. Như vậy, vấn đề đặt ra không phải là có nên đi du lịch Tết hay không mà là mục đích của chuyến đi có phù hợp với hoàn cảnh gia đình hay không?
 
Cô Thu cho rằng, dù có hay không đi du lịch dịp Tết, giá trị văn hóa của ngày Tết vẫn sẽ được lưu giữ nếu như mỗi người luôn hướng về tổ tiên với những tình cảm đẹp đẽ, vẫn có những thời gian sum họp bên gia đình. Đặc biệt khi những phong tục truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết còn được lưu giữ thì những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chưa bị mai một. 
 
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính, về cơ bản, nghi lễ trong ngày Tết chưa có nhiều biến đổi, song cũng không thể phủ nhận rằng Tết nay có phần “nhạt” hơn xưa. Khi cuộc sống, xã hội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, những nét văn hóa trong ngày Tết cũng không đứng ngoài guồng quay đó. Tuy nhiên, tiếp thu cái mới vẫn cần dựa trên những giá trị cốt lõi như tục thờ cúng tổ tiên, những quan hệ cơ bản trong xã hội vẫn cần được gìn giữ như con cái với ông bà cha mẹ, trò với thầy, con bệnh với thầy thuốc. Hơn thế cũng đừng để những giá trị văn hóa truyền thống bị biến dạng, lợi dụng.
 
Theo VOV
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa và Tết nay khác nhau như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO