Cùng với Lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Lễ hội Tết Trung thu ở Hội An cũng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Tết Trung thu/ tiết Trung thu là tiết giữa mùa Thu, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh Trung thu, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, múa sư tử, trông trăng, phá cỗ...
Tết Trung thu lúc đầu chỉ dành cho người lớn, nhưng rồi lâu dần, cho đến nay đã trở thành lễ hội cho trẻ em gọi là Tết thiếu nhi, dịp mà người lớn dành sự quan tâm yêu thương cho thế hệ mai sau.
Ở Hội An, vào dịp Tết Trung thu, vào ngày 14, 15 tháng 8 âm lịch, khắp các làng trên xóm dưới, từ khối phố đến thôn quê, không khí lễ hội đều diễn ra rất sôi nổi với nhiều hình thức hoạt động văn hóa truyền thống như: việc lo lễ bái trời đất, gia tiên, tục bày mâm cỗ thưởng trăng, múa lân - sư - rồng, rước đèn, ca hát...
Từ năm 2010 đến nay, chính quyền TP. Hội An thống nhất với cộng đồng người dân Hội An cùng quản lý và tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Giá trị đặc trưng của lễ hội Trung thu ở Hội An ngày nay chính là chỗ nó được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa - Việt Nam và có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa - Nhật Bản; được bảo tồn khá nguyên vẹn các yếu tố tích cực, có bổ sung bởi các hoạt động văn hóa truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, vừa tạo nên được sự phong phú, đa dạng, sôi động, hấp dẫn thế hệ trẻ, nhưng vẫn giữ được đậm đà những nét văn hóa đặc trưng của Hội An; vừa mang tính giáo dục sâu sắc vốn có của lễ hội đối với thế hệ trẻ về yêu chuộng hòa bình, tính nhân ái, long yêu thương hướng về những giá trị văn hóa của con người: Chân - Thiện - Mỹ.