Môi trường

Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Hoàng Hiền 29/09/2023 - 09:22

(TN&MT) - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Văn bản số 24/BCH-BPTT về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ trên đại bàn tỉnh.

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, ngày 28/9, khu vực tỉnh Phú Thọ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50 - 80 mm, có nơi trên 80mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện, thị, thành.

Theo đó, từ 2 giờ đến 8 giờ ngày 28/9/2023 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Đông Cửu (Thanh Sơn) 135mm; Xuân Sơn (Tân Sơn) 129,2mm; Dị Nậu (Tam Nông) 101,8mm; Xuân Đài (Tân Sơn) 100,4mm; Phúc Khánh (Yên Lập) 96,6mm; Quang Húc (Tam Nông) 94,8 mm; Cự Thắng (Thanh Sơn) 93,6 mm; thị trấn Thanh Thủy (Thanh Thủy) 90,6mm; thị trấn Yên Lập (Yên Lập) 90,4mm...

mua-lu-o-huyen-tan-s.jpg
Mưa gây ngập lụt ở huyện Tân Sơn

Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng và các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành, thị; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh bảo, dự báo diễn biến tình hình mưa, lũ trên địa bàn, thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó; đặc biệt là các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ quét. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức Trung thu tại các địa phương.

Khẩn trương kiểm tra, rà soát sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa; đặc biệt là hồ chứa xung yếu, bị xuống cấp hoặc có sự cố. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng triển khai bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn. Triển khai công tác đảm bảo an toàn tại các khu vực khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố khi có mưa lũ.

Chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất. Hướng dẫn người dân các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO