Tập trung ứng phó mưa lũ, ngập úng cục bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi

Khải Minh| 08/10/2020 20:55

(TN&MT) - Nhận định nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu phải đảm bảo an toàn sản xuất, hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, hồ chứa.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp chỉ đạo các công tác ứng phó với tình hình mưa lũ ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ ngày 8/10 đến 10/10, các tỉnh/thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-550mm, có nơi trên 600mm; các tỉnh Nam Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Cảnh báo, từ 8/10đến ngày 11/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4,0-9,0m, hạ lưu từ 1,5-5,0m. Trong đó, mực nước đỉnh lũ hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2 và trên BĐ2.

Đặc biệt, trong ngày 8/10/2020, trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức 7,0m, trên BĐ3 1,0m (lũ lịch sử 7,29m); trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,4m, trên BĐ3 0,4m. Các sông từ Quảng Nam, Bình Định đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ 2; thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, 2 Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực BCĐ TWPCTT tiếp tục kiểm tra đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi.

Các địa phương đã khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; ban hành các công điện, văn bản, cử các đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trước diễn biến mưa lũ được dự báo còn phức tạp và kéo dài, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, cập nhật ngập lụt ở các khu vực và vấn đề sản xuất. Đảm bảo an toàn sản xuất, hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, hồ chứa.

Đồng thời, theo dõi thông tin ở địa phương, đã tăng cường thông tin như thế nào, đã thông tin đến người dân ra sao. Cùng với đó, biên tập các tài liệu truyền thông phù hợp với từng vùng gửi cho địa phương.

Gửi công văn gửi sang Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình mưa lũ gửi cho người dân trong khu vực ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn kiểm tra công tác giảm sát, quản lý hồ chứa.

Trên lưu vực miền Trung và Tây Nguyên:

- Lưu vực sông Hương: Hồ Hương Điền đang xả với Q=784 m3/s, Hồ A Lưới tổng xả và phát điện Q=502 m3/s, các hồ khác vận hành bình thường.

- 9 lưu vực còn lại: lưu lượng về các hồ biến đổi chậm và có xu hướng giảm, các hồ vận hành ở trạng thái bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ứng phó mưa lũ, ngập úng cục bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO