Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, ngày 16/7/2021, Cục đã tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký, ban hành Công văn số 3951/BTNMT-TNN và Công văn số 3952/BTNMT-TNN về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 gửi đến các Bộ, ngành và địa phương để tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước. Đến ngày 29/8/2021, đã có 43/63 địa phương, 6 Bộ gửi Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Qua tổng hợp báo cáo, từ khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 ban hành, 43 địa phương nêu trên đã ban hành 275 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thi hành Luật; cấp mới 14.424 Giấy phép tài nguyên nước trên tổng số 20.466 giấy phép đã cấp từ trước đến nay; triển khai 2.461 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với 12.851 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, qua đó phát hiện và xử lý 1.027 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt là 34.529.578.500 đồng.
Các ý kiến của các địa phương tập trung vào các nội dung chính như: Quy định cụ thể, hướng dẫn triển khai các quy định của pháp luật (xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, cơ chế chính sách ưu đãi tài chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; quan trắc, giám sát tài nguyên nước, việc tái sử dụng nước thải…). Quy định, xác định rõ trách nhiệm, phân công, phân cấp cụ thể trong việc quản lý tài nguyên nước giữa các cơ quan, Bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt giữa lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi.
Cùng với đó, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều phối lưu vực sông. Ý kiến của 4 địa phương; sửa đổi, quy định rõ về nguồn tài chính phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; tăng cường các nguồn kinh phí phục vụ các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên nước; tái đầu tư cho hoạt động tài nguyên nước.
Sửa đổi Luật để thiết lập khung pháp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước |
Đồng thời, quy định rõ về thời điểm đề nghị cấp phép tài nguyên nước cụ thể đối với từng trường hợp và có chế tài, quy định để đảm bảo tực hiện (chưa vận hành, đã vận hành, đối với các công trình thủy lợi; hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư chỉ thực hiện nộp hồ sơ cấp phép khi công trình sắp đi vào vận hành). Đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác cấp giấy phép TNN (một số địa phương đề nghị giao thẩm quyền cấp phép đối với các thủy điển dưới 10MW cho địa phương, giao thẩm quyền cấp phép đến UBND cấp huyện…).
Đề nghị điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các luật liên quan như luật thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch…; đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tổng kết thi hành Luật từ các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm qua quá trình thực thi Luật trong công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng và hoàn thành 4/4 tài liệu theo quy định để báo cáo Lãnh đạo Bộ xin chủ trương thực hiện đăng tải, lấy ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Cụ thể, Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Dự thảo Đề cương dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Hiên nay, để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước và một số Luật liên quan, nhận được sự phối hợp từ các đơn vị, Cục Quản lý tài nguyên đã lập danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới năm 2022 phục vụ sửa đổi Luật gồm 31 nhiệm vụ (2 nhiệm vụ cấp cơ sở, 29 nhiệm vụ cấp Bộ. Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất 19 nhiệm vụ, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đề xuất 1 nhiệm vụ, Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đề xuất 3 nhiệm vụ, Viện Khoa học tài nguyên nước đề xuất 8 nhiệm vụ.
Cục Quản lý tài nguyên nước dự kiến đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, gửi hồ sơ lấy ý kiến vào đầu tháng 9/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào đầu tháng 10/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ đưa vào chương trình họp vào đầu tháng 11; Chỉnh lý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên cơ sở Nghị quyết cuộc họp của Chính phủ và gửi đến Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh trong tháng 12; Chính phủ gửi Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng Luật trước ngoài 1/3/2022.
Trên cơ sở báo cáo tiến độ công việc, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước để trình Lãnh đạo Bộ.
Thứ trưởng đề nghị, Cục sớm hoàn thành khung logic để đảm bảo quá trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước một cách thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong công tác xây dựng luật, qua đó, sớm thiết lập khung pháp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước.