Tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Tuyết Chinh| 04/01/2021 11:43

(TN&MT) - Sáng 4/1/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo. Ảnh: VGP

Đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét tại Hội nghị ngày 28/12/2020, năm 2020, được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhìn lại cả chặng đường 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, duy trì mức tăng trưởng dương dù đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ Đại suy thoái 1929 - 1932. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, vượt mục tiêu đề ra (5%).

Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học, công nghệ. Bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn ở mức 3,6 - 3,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4%) và giảm so với giai đoạn trước (khoảng 5,4% GDP theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015).

Bên cạnh đó, hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. Ngân hàng Thế giới - WB đánh giá, nếu tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình đầu người của chúng ta đạt tương đương gần 9.000 USD.

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Báo cáo gần đây của UNDP đã xếp Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Họp báo

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả ấn tượng. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên 6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ hơn 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ TTHC được đồng bộ trạng thái lên cổng; hơn 744,8 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (cao điểm 1 ngày nhận 12.000 hồ sơ)…

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng theo hướng tích hợp, cắt giảm tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh phát sinh thủ tục hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay; năm 2017 là năm đầu tiên không nợ văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hết năm 2020, chỉ còn nợ 6 văn bản, giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ khóa XII (58 văn bản) và nhiệm kỳ khóa XIII (39 văn bản).

“Các kết quả trên chính là những dấu ấn nổi bật của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, tạo niềm tin, nguồn lực và động lực mới để chúng ta vững bước tiến tới Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ đề ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Năm 2021, phải đạt được nhiều thành tích, tiến bộ hơn

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với ý nghĩa như vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là rất lớn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021 (WB dự báo 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%...). Để hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng như đánh giá của các tổ chức quốc tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01, 02 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể.

Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là:

Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Năm 2021, phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO