Tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách của Luật Xây dựng

Tuyết Chinh| 18/09/2019 11:01

(TN&MT) - Sáng 18/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

Luật Xây dựng năm 2014 hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Trên cơ sở đó, các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; các Bộ, ngành cơ quan trung ương, chính quyền các cấp và các chủ thể liên quan khác đã chủ động, khẩn trương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Xây dựng; ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật; trong đó, phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với các nguyên tắc; nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng còn có một số điểm trùng lặp; quy định về phân chia dự án thành phần được thể hiện tại quyết định đầu tư còn hạn chế...

Hơn nữa, sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:Luật sửa đổi có khắc phục được những tồn tại hiện nay?

Một loạt vấn đề tồn tại hiện nay như vấn đề xây dựng sai phép, không phép; vấn đề những chung cư được cơi nới, những nhà siêu mỏng, nhà tập thể quá niên hạn... Sau khi Luật sửa đổi và ban hành có thể giải quyết được không? Hơn nữa, Luật xây dựng có liên quan đến rất nhiều hoạt động kinh tế; trong khi đó hiện nay đang trong giai đoạn sửa đổi một số Luật. Do vậy cần đánh giá tác động thấu đáo, kỹ lưỡng sau đó mới triển khai sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện.

Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 và các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…

“Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật”, ông Phạm Hồng Hà khẳng định.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Những vấn đề cần lưu ý

Đánh giá tầm quan trọng sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT thống nhất việc ban hành Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước... Mặc dù vậy, cần lưu ý những vấn đề nổi cộm còn ý kiến khác nhau.

Theo đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm phạm vi sửa đổi, bổ sung ở một số nội dung của Luật nếu đáp ứng được các nguyên tắc nói trên.

toàn cảnh
Ảnh: quochoi.vn

Nhận thấy việc phân loại, cấp công trình có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý hoạt động đầu tư xây dựng như thẩm định dự án, thiết kế công trình; cấp giấy phép xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; bảo hiểm, quản lý chi phí, trong thiết kế xây dựng công trình…, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ thêm về sự cần thiết của sự thay đổi này và lưu ý không làm xáo trộn hoạt động đầu tư xây dựng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp pháp luật.

Đối với dự án đầu tư khu đô thị, khó khăn chủ yếu là trong Luật thiếu quy định về lập, thẩm định dự án và bàn giao công trình thuộc dự án. Để tháo gỡ vướng mắc này, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định nêu trên.

Về trật tự xây dựng ở nông thôn, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần nghiên cứu, có lộ trình quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho từng loại, cấp công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước.

Đồng thời, cân nhắc bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng trong dự thảo Luật bởi vì những nội dung này đã được quy định trong Luật Xây dựng hiện hành. Hơn nữa, căn cứ thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ dựa trên giấy phép xây dựng mà còn phải căn cứ cả vào quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc...

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết bổ sung quy định về xây dựng công trình cấp bách và nghiên cứu thêm quy định về những loại công trình này trong pháp luật có liên quan như đầu tư; đầu tư công; đấu thầu; phòng, chống thiên tai...; quản lý năng lực hoạt động xây dựng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Xác định vấn đề cấp bách cần sửa

Cần tổng kết, đánh giá, từ đó chỉ rõ sửa cái gì và sửa ở mức độ nào. Chẳng hạn như, tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ như thế nào, công trình xây dựng không phép, sai phép thời gian qua ra sao? Đánh giá kỹ thực trạng những công trình không phép, sai phép tồn tại kéo dài. Đồng thời, đánh giá rõ trách nhiệm chủ thể, trong đó có chính quyền địa phương khi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Vấn đề chất lượng các công trình có đầu tư công “làm thì lâu, xuống cấp nhanh”, tình trạng “rút ruột công trình” xảy ra phổ biến, có lỗi gì trong Luật không, quy trình hoạt động xây dựng của chúng ta như thế nào mà lại để xảy ra thực tế này?... Đề nghị phải liệt kê xem Luật Xây dựng này liên quan đến những Luật nào và từng điều luật ra sao; chồng chéo với những Luật nào, chồng chéo thì chồng chéo ở những điều luật gì?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Cần “đột phá”, đáp ứng nguyện vọng cử tri

Nhìn chung, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề về cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng. Một vấn đề cần quan tâm là  có những công trình xây dựng xin giấy phép rất khó khăn, lại có những công trình ngang nhiên tồn tại. Điều này sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân, do vậy không thể “phạt cho tồn tại”, cần đưa ra nguyên tắc, phạt là phải xử lý để có tính răn đe.

Với những công trình xen kẹp trong khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng (chẳng hạn như Rạng Đông...), đề nghị có điều khoản quy định cấm xây dựng các công trình, dự án làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng trong khu dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách của Luật Xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO