Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo |
Tham dự có bà Sitara Syed – Phó Trưởng đại diện thường trú UBND tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đại diện Cục Hóa chất – Bộ Công thương…
Dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam” được triển khai từ tháng 12/2015 – 7/2020, do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ ủy thác thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ dự án này, lần đầu tiên, Việt Nam có kết quả điều tra cụ thể về tình hình phát thải các hóa chất nguy hại như thủy ngân trong một số ngành công nghiệp tại một số địa phương. Dự án cũng đem lại kết quả quan trọng như kiểm kê, thiết kế cơ sở dữ liệu về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, quản lý các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV)…
“Các kết quả này sẽ được công bố tại hội thảo được tổ chức vào cuối tháng 2 tới”, ông Hoàng Văn Thức thông tin.
Trình bày tình hình thực hiện dự án năm 2019, bà Phạm Thị Bích Ngọc – Quản đốc dự án cho hay, với 15 gói thầu được phê duyệt, đến nay đều được các đơn vị của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Cục Hóa chất (Bộ Công thương) đảm bảo đúng tiến độ. Kết quả thiết thực nhất là hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý cấp tỉnh các khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Thí điểm kế hoạch quản lý các khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV lồng ghép với quy định sử dụng đất tại Nghệ An; Kiểm kê thủy ngân trong sản phẩm của ngành y tế như nhiệt kế thủy ngân, máy đo huyết áp thủy ngân, chất hàn rang amlgam, trong công nghệ chiếu sáng (đèn huỳnh quang) và hóa mỹ phẩm…
Chia sẻ hoạt động trong năm qua, đại diện tỉnh Bình Dương thông tin, tỉnh đã phối hợp với cơ quan quản lý Trung ương hoàn thành điều tra phát thải các chất POP tại 400 doanh nghiệp thuộc 9 nhóm ngành nghề và lấy mẫu phân tích tại 64 doanh nghiệp thuộc 7 nhóm ngành nghề trên địa bàn tỉnh, từ đó, đưa ra báo cáo đánh giá tình hình phát thải các chất POP và hóa chất nguy hại tại tỉnh.
Đặc biệt, dự án đã xây dựng phần mềm báo cáo đăng ký phát thải và chuyển giao các chất ô nhiễm (PRTR) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tự quản lý phát thải thông qua việc đăng ký phát thải, chuyển giao chất ô nhiễm và báo cáo online tới Sở TN&MT, thí điểm trên 20 doanh nghiệp tại Bình Dương.
Toàn cảnh cuộc họp |
Đánh giá cao các kết quả này, bà Sitara Syed – Phó Trưởng đại diện thường trú UBND tại Việt Nam cho rằng, phát huy những thành tựu ấn tượng trong năm 2019, bước sang năm 2020, các đơn vị thực hiện dự án cần tập trung triển khai các gói thầu còn lại, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương và nâng cao nhận thức người dân. “UNDP cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường”, bà Sitara Syed nói.
Được biết, chỉ còn gần 7 tháng nữa dự án sẽ kết thúc. Các công việc còn lại là hoàn thành 5 gói thầu đã ký từ năm 2019 và triển khai thêm một số hoạt động mới như hoàn thiện quy định PRTR, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật triển khai PRTR và tính toán phát thải hóa chất cho một số ngành phát thải các hóa chất nguy hại; Xây dựng dư thảo Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2020 – 2025…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, dự án này có ý nghĩa quan trọng về BVMT, quản lý rủi ro do hóa chất nguy hại tại Việt Nam, bởi vậy, các đơn vị cần chủ động, tích cực hoàn thành các hợp phần còn lại của dự án.
Theo đó, Tổng cục Môi trường cần ban hành kế hoạch chi tiết triển khai dự án, đôn đốc các địa phương cùng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Phía Việt Nam cũng cần đảm bảo nguồn vốn đối ứng để dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả của dự án sẽ được duy trì, phát huy, giúp Việt Nam giải quyết và kiểm soát được nhiều vấn đề môi trường. Từ những kết quả này, sẽ được đưa vào để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật như Luật Hóa chất, các Nghị định, thông tư liên quan.