Tập trung giải quyết vấn đề cấp bách trong quản lý mạng lưới trạm KTTV

Tuyết Chinh| 07/08/2020 10:55

(TN&MT) - Cần xây dựng lộ trình với định hướng cụ thể, rõ ràng để giải quyết các vấn đề trọng tâm, cấp bách trong công tác quản lý mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV). Đó là yêu cầu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng tại cuộc họp về công tác quản lý mạng lưới trạm KTTV trong giai đoạn hiện nay, diễn ra chiều ngày 6/8 .

Mạng lưới trạm còn “thưa”

Theo Tổng cục KTTV, hiện nay, mạng lưới quan trắc trên bề mặt có 200 trạm khí tượng; mạng lưới quan trắc tự động với 10 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm vô tuyến thám không, 8 trạm đo gió trên cao... Số lượng mạng lưới trạm quan trắc KTTV theo quy hoạch hiện tại vẫn còn thưa so với các nước phát triển trên thế giới và theo khuyến cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Bên cạnh đó, các số liệu quan trắc chưa đáp ứng được số liệu đầu vào cho các mô hình dự báo số trị; đặc biệt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển, những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia còn thiếu tính lồng ghép, chưa giải quyết triệt để sự trùng lắp đối với một số loại trạm có tính chất tương đồng, cùng quan trắc các yếu tố KTTV hoặc có những nội dung quan trắc tương tự nhau.

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV của Việt Nam còn thưa

Ông Nguyễn Nam Dương - Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý mạng lưới KTTV (Tổng cục KTTV) cho biết, trước những thách thức đặt ra, từ đầu năm đến nay, Vụ đã đẩy mạnh công tác quản lý trên nhiều mặt, từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật KTTV, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đến công tác hiệu chuẩn các phương tiện đo KTTV.

Trong đó, Vụ đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-TNMT về quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu hải văn, môi trường không khí, nước. Các thông tư đang được triển khai như: Thông tư về quy định kỹ thuật phương pháp quan trắc hải văn; Thông tư thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV; Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu KTTV; Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc KTTV chuyên dùng đối với công trình phải quan trắc KTTV.

Trong năm 2020, Vụ Quản lý mạng lưới đã xây dựng, triển khai Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, thống nhất trên toàn mạng lưới trạm KTTV quốc gia về số lượng trạm, danh mục chủng loại máy, thiết bị đang sử dụng trên mạng lưới trạm KTTV.

Đồng thời, thực hiện rà soát và bỏ hoạt động quan trắc thủ công đối với các trạm KTTV hạng III có yếu tố quan trắc tự động và đã đề xuất giải pháp thực hiện; xây dựng được Quy trình nghiệm thu sản phẩm nhiệm vụ chuyên môn đặt hàng của các trạm quan trắc KTTV và dự kiến ban hành trong tháng 9.

Lồng ghép kế hoạch mạng lưới KTTV vào chương trình KHCN của Bộ 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mạng lưới trạm KTTV, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng cho rằng, cần nhanh chóng tổng hợp toàn bộ công tác quản lý của mạng lưới quan trắc để có được bức tranh tổng thể về mạng lưới KTTV, chỉ ra những tồn tại, để xuất các giải pháp giải quyết cụ thể. Đồng thời, xây dựng lộ trình với định hướng cụ thể, rõ ràng để thực hiện, tập trung, ưu tiên giải quyết các vấn đề trọng tâm, cấp bách.

Trong thời gian tới, tập trung sửa đổi Thông tư số 05/2026/TT-BTNT về Quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm thuộc mạng lưới KTTV quốc gia do theo Quy định của Luật KTTV không còn hạng trạm, một số yếu tố quan trắc cần xem xét lại để phù hợp với sự phát triển của mạng lưới trạm KTTV.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án đối với các trạm Khí tượng nông nghiệp trên mạng lưới để nâng cao hiệu quả hoạt động. “Kiểm soát, đánh giá lại các số liệu đột biến, nâng cao chất lượng số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo, cảnh báo”, ông La Đức Dũng đề nghị.

Liên quan đến công tác quản lý mạng lưới trạm trong giai đoạn hiện nay, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đề nghị, Vụ Quản lý mạng lưới KTTV phối hợp với Trung tâm Quan trắc KTTV rà soát, đánh giá lại dữ liệu của một số trạm; Xây dựng, lồng ghép kế hoạch mạng lưới KTTV vào các nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ sắp tới của Bộ, của Tổng cục, đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra với tiêu chí luôn luôn đặt tâm huyết và kỷ luật lên hàng đầu.

 “Giai đoạn 2020 - 2030, ngành KTTV chú trọng tăng cường mật độ trạm quan trắc bề mặt và tự động. Trong đó, ưu tiên tăng cường mật độ trạm quan trắc KTTV tự động bề mặt khu vực Tây Bắc, Việt Bắc; Trạm quan trắc hải văn tự động và Radar biển; Radar băng sóng X cho các hồ thủy điện lớn; Radar băng sóng C còn thiếu theo quy hoạch”, ông Nguyễn Quang Hà, Trưởng Ban Quản lý các dự án KTTV (Tổng cục KTTV).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải quyết vấn đề cấp bách trong quản lý mạng lưới trạm KTTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO