Tập trung giải pháp thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Khương Trung | 10/11/2021 21:06

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, đã có 870.000 người đã rút bảo hiểm xã hội một lần và trong thời gian sắp tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tạo ra các chính sách thiết thực để hạn chế việc này, tạo động lực và thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Tại Phiên chất vấn ngày 10/11, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra giải pháp nào để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội? Chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tạo động lực cho người lao động?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh)

Liên quan câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn TP. Hồ Chí Minh về bán sổ bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội sau đó rút bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do gì đó, nhượng lại sổ bảo hiểm xã hội đó cho người khác để hưởng, về bản chất thực ra là để giảm bớt việc rút thưởng bảo hiểm xã hội một lần. Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, có khoảng 870.000 người đã rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu so với năm 2020, con số này gia tăng rất nhiều, có nhiều lý do, trong đó, có đời sống khó khăn...

Để đưa ra giải pháp nào để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội, xây dựng các chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tạo động lực cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra 3 giải pháp căn cơ cần phải thực hiện.

Theo đó, việc đầu tiên là nhất thiết phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi phần đa rút bảo hiểm một lần và bán sổ bảo hiểm rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải những hoàn cảnh éo le. “Vì vậy, giải quyết gốc của vấn đề chính là phải nâng cao đời sống, người ta thấy đời sống tốt, có yêu cầu, có nhu cầu, cuộc sống đảm bảo, chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Tiếp đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để cho người lao động hiểu và nhận thấy sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội, để cho người ta có một khoản lương hưu khi về già. Như các nước phát triển, chúng tôi cùng với Chủ tịch Quốc hội đi nghiên cứu, người ta nói là khi nào ở các nước phát triển phải trở thành văn hóa an sinh, hay nói cách khác là văn hóa bảo hiểm thì bấy giờ mới thành công.

Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Trong đó, bên cạnh việc hưởng chính sách một lần, sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, làn sóng đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng đã trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm. Tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng đã khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, sự giảm sút về việc làm và thu nhập. Với tác động của đại dịch, nhất là đợt thứ tư đến nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, đến vấn đề việc làm, đời sống của triệu người lao động và người dân. Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng vì cộng đồng đang lan tỏa thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh, an dân, xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm phải có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giải pháp thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO