Dự cuộc họp có Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; các Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối trực tuyến đến một số Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố.
Bão gây mưa từ tối 25/8, tập trung vào Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 540km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 7 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 19 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 150km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ, đi được 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Thông tin thêm về bão số 3, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trước khi vào Biển Đông, hướng di chuyển của cơn bão lúc đầu được xác định đi vào khu vực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, từ cuối giờ sáng nay (24/8), phần lớn các kết quả mô hình cũng như dự báo của các cơ quan quốc tế đều có chung nhận định là cơn bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi vào khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó đi dọc ven phía Bắc Vịnh Bắc Bộ và đi về phía biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
“Về cường độ, các dự báo cho thấy hiện bão đang ở cuối cấp 11, khả năng chỉ đạt cấp 11, cấp 12 khi tiến vào khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Dự kiến, bão sẽ tiệm cận khu vực Móng Cái, Quảng Ninh vào chiều tối mai (25/8). Khi đi vào đất liền, cường độ bão sẽ suy yếu dần”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Theo ông Mai Văn Khiêm, do ảnh hưởng của bão, phía Bắc Vịnh Bắc Bộ trong 12 giờ tới có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, 12. Ngày mai (25/8), phía Bắc Vịnh Bắc Bộ có khả năng chịu gió cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão có thể đạt cấp 8, giật cấp 10. Khu vực ven biển Quảng Ninh khả năng có gió cấp 6, giật cấp 8. Trường hợp bão đi cao hơn lên phía Bắc như một số dự báo, gió trên Vịnh Bắc Bộ và trên đất liền có thể thấp hơn. Mưa sẽ tập trung vào đêm 25 và 26/8, với lượng mưa từ 100-250mm, cục bộ có nơi cao hơn. Lượng mưa lớn tập trung vào khu vực Đông Bắc, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo cho địa phương
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo một số Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh đã báo cáo về tình hình chuẩn bị của Đài đối với việc dự báo bão số 3; sự phối hợp cung cấp thông tin giữa Đài với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương.
Ông Nguyễn Đình Thuật, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Đông Bắc cho biết, hiện các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn đã có công điện chỉ đạo các đơn vị tại địa phương theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Tỉnh Quảng Ninh đang kiểm đếm tàu thuyền, lồng bè, thông báo đến chủ các phương tiện về tình hình bão, tỉnh chưa cấm biển. Hiện, máy móc, thiết bị, nhân sự tại các trạm KTTV của khu vực đã sẵn sàng cho công tác dự báo, cảnh báo phục vụ địa phương. Các đơn vị dự báo đã chuyển các bản tin cảnh báo đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh kịp thời.
Làm rõ thêm về tình hình chuẩn bị của địa phương, lãnh đạo Đài KTTV tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 2 công điện ngày 23/8 và 24/8, chỉ đạo sát sao các sở ban ngành về ứng phó bão số 3. Tỉnh Quảng Ninh có trên 30 hồ chứa ở dung tích khoảng 86,5%; có 7 hồ chứa đạt dung tích 84,7%. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, hiện tất cả các hồ chứa đều đảm bảo hoạt động an toàn.
Theo lãnh đạo Đài KTTV khu vực Việt Bắc, Đài đã ra văn bản chỉ đạo các đài tỉnh tăng cường các bản tin gửi đến tỉnh. Các tỉnh cũng đã ra văn bản chỉ đạo các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, trong đó, chú trọng công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Các địa phương cũng rà soát các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng trực vận hành tại các hồ chứa, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; đảm bảo an toàn tại các ngầm tràn. Về phía Đài, hiện các phương tiện kỹ thuật và nhân lực của Đài đã sẵn sàng cho công tác dự báo, cảnh báo về cơn bão.
Đồng tình với các ý kiến đánh giá của chuyên gia dự báo và các Đài KTTV khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia bám sát, cảnh báo được tất cả các nguy cơ do bão số 3 gây ra. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, giúp công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan Trung ương và địa phương được chính xác, tạo được niềm tin từ Chính phủ và người dân.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu cơ quan dự báo tiếp tục theo dõi sát sao, cảnh báo kịp thời những thay đổi trong quỹ đạo, cường độ bão số 3. Dẫn thông tin dự báo về lượng mưa bão sẽ không quá lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý, vừa qua, Bắc Bộ đã có mưa rất nhiều, do vậy, cơ quan dự báo cần rà soát lại các điểm mưa trên 150mm, từ đó, cảnh báo được các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động trong ứng phó.