Tập đoàn GFS: Gây lãng phí tài nguyên, trách nhiệm thuộc về ai? - Bài 4: Đấu giá đất bãi giữa sông Hồng giá rẻ hơn cho thuê

Nhóm PV điều tra| 30/12/2022 12:38

Mặc dù không phải người địa phương nhưng ông Phạm Hải Đăng đang nắm giữ trong tay 21,2ha đất bãi giữa sông Hồng, thuê đất nông nghiệp với xã Liên Trung lên tới 20 năm. Để tiếp tục “gom đất”, ông Đăng đã tham gia đấu giá đất bãi Tân Bồi (khu 1 và 2) và đã trúng đấu giá hai khu đất trên, diện tích 28ha với giá rẻ bất ngờ, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá đất ông đang thuê trước đó.

Để mở rộng quy mô sản xuất, năm 2020 ông Phạm Hải Đăng đã tham gia đấu giá khu đất bãi giữa sông Hồng thuộc bãi Tân Bồi (khu 1 và khu 2) giáp với khu đất 21,2ha mà ông Đăng đã ký hợp đồng thuê 20 năm với xã Liên Trung trước đó. Theo Quyết định số 7768/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 của huyện Đan Phượng, ông Phạm Hải Đăng có địa chỉ 11B Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi Tân Bồi, tổng diện tích trên 28ha, thời hạn 5 năm, giá trúng là 1.410 đồng/m2/năm.

Giá trên được quy đổi 507.600 đồng/sào/năm (một sào Bắc Bộ là 360m2), trong khi trước đó, xã Liên Trung đã ký hợp đồng thuê đất 20 năm cho ông Phạm Hải Đăng với giá 700.000 đồng/sào/năm (cạnh diện tích được đấu giá). Vậy là cứ một sào, Nhà nước bị thiệt khoảng 192.400 đồng/năm, nhân với 5 năm Nhà nước thiệt hại gần 750 triệu đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đan Phượng (được Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cử làm việc với phóng viên) lý giải: Việc tổ chức đấu giá liên quan đến giá khởi điểm. Giá khởi điểm là 810 đồng/m2, bước giá là 200 đồng nhân 3 sẽ cho ra kết quả 1.410 đồng. Còn việc giá thuê đất có chênh thì trước đó là do thỏa thuận giữa ông Đăng và xã Liên Trung.

anh-3-bai-4.jpg

Nhà tạm, đường điện... hiện hữu ở bãi giữa sông Hồng, nguy cơ đe dọa dòng chảy và thoát lũ của sông Hồng

Ông Bùi Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đan Phượng cho hay: “Trung tâm có trách nhiệm tổ chức đấu giá dựa theo luật và mức giá khởi điểm, có hội đồng đấu giá của huyện thẩm định, dựa trên 2 hồ sơ tham gia đấu giá khi đó. Việc xã cho thuê đất 20 năm, anh Tuấn đã trả lời rồi, tôi xin phép không trả lời, còn trách nhiệm thì thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường và UBND huyện xử lý”.

Có thể hiểu, thay bằng việc thu thuế sản lượng của từng hộ dân thuê đất bãi giữa sông Hồng canh tác như trước đây, UBND huyện Đan Phượng và xã Liên Trung đã lựa chọn giải pháp “nhẹ nhàng”, đó là tổ chức đấu giá toàn bộ khu đất bãi Tân Bồi, thử hỏi diện tích lớn, hồ sơ tham gia đấu thầu, đấu giá phức tạp, cộng với kinh phí lớn thì người nông dân địa phương nào đủ tiềm lực để tham gia? Và “kịch bản” đã rõ, đất bãi bồi sông Hồng đã về tay người có tiền, có tiềm lực là ông Phạm Hải Đăng!

Có thể thấy, sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi Tân Bồi, diện tích hơn 28ha, cộng với 21,2ha diện tích thuê 20 năm trước đây, hiện ông Đăng đang nắm trong tay hơn 49ha đất nông nghiệp bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung - Một kỷ lục mà trước nay ở Hà Nội chưa có ai sở hữu đất nông nghiệp bãi giữa sông Hồng nhiều đến như vậy.

Quyết định 1682/QĐ-UBND, ngày 20/4/2018 của UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên. Địa phương cho phép dự án được làm nhà màng lưới, nhà liền mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm và công trình phụ trợ (nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…). Trong khi đó, khu vực bãi giữa là không gian thoát lũ sông Hồng, bị cấm xây dựng công trình kiên cố và trồng cây lâu năm.

Nhiều người dân xã Liên Trung thắc mắc: “Ông Đăng không phải người địa phương nhưng được thuê đất, trúng đấu giá đất nông nghiệp bãi giữa sông Hồng quá lớn, người dân chúng tôi thì thiếu đất để trồng trọt. Nhà nước đấu giá rẻ, thiệt ít, nhưng nhân dân chúng tôi không có đất để sản xuất mới thiệt nhiều”. Được biết, trong quá trình thu hồi đất bãi Tân Bồi, nhiều hộ nông dân đang canh tác cây trồng, nhất là cây lâu năm không đồng tình với phương án của xã Liên Trung và huyện Đan Phượng, nhưng vì “lệnh ban xuống” nên người nông dân phải “ngậm đắng nuốt cay” trả lại đất cho chính quyền để họ bàn giao cho người trúng đấu giá.

anh-1-bai-4.jpg

Đất bãi giữa sông Hồng người dân vẫn có nhu cầu sử dụng để canh tác nhưng được chính quyền thông báo thu hồi để đem đi đấu giá

Trao đổi với phóng viên Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc công ty Luật TNHH OPIC và cộng sự cho biết: Luật không cấm cá nhân tham gia đấu giá, đấu thầu đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện một dự án, đặc biệt dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, không chỉ phải lập dự án đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 mà còn phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến đê điều, việc sử dụng hành lang thoát lũ. Hơn nữa, khi đấu giá đất, cơ quan đấu giá cũng cần quy định cụ thể về điều kiện tham gia đấu giá hoặc đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Luật sư Dũng nhấn mạnh: Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (hết hiệu lực ngày: 4/1/2021) quy định: “Hộ kinh doanh sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định”. Với diện tích hơn 49ha đất nông nghiệp bãi giữa sông Hồng mà ông Đăng đang sử dụng, không biết ông đang thuê bao nhiêu lao động? Con số này chắc chắn sẽ không nhỏ. Ngoài ra, khi ông Đăng lập dự án và trình UBND huyện Đan Phượng, không biết có đưa vào các thông số như: Sử dụng bao nhiêu lao động, phương án xây dựng, mục đích sử dụng… Hoặc có thể cá nhân ông Đăng và doanh nghiệp đã có liên doanh, liên kết nhưng chưa thừa nhận công khai.

Được biết, ngày 15/8/2017, Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Hà Nội (nay là Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) có Công văn số 1025/CCĐĐ-QL tham gia ý kiến về địa điểm Dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao - GFS bãi giữa sông Hồng. Theo đó, vị trí khu đất UBND huyện Đan Phượng đề xuất lập dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao - GFS, xã Liên Trung thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng, tương ứng từ K46+307 đến K47+237 đê Hữu Hồng; điểm gần nhất của khu đất cách chân đê thượng lưu khoảng 1.000m, hiện trạng là đất nông nghiệp… Dự án có xây dựng công trình phải tuân thủ quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều và Điều 5 Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều.

anh-2-bai-4.jpg

Theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ. Các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa lũ và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng. Do vậy, việc xây dựng công trình kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, nhà lưới, bể chứa nước, trạm bơm... hay trồng cây lâu năm đều vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường… vào cuộc xác minh, nếu phát hiện có sai phạm, cần mạnh tay xử lý, đồng thời, trả lại tư liệu sản xuất cho người dân có nhu cầu sử dụng đất để canh tác và ổn định cuộc sống lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn GFS: Gây lãng phí tài nguyên, trách nhiệm thuộc về ai? - Bài 4: Đấu giá đất bãi giữa sông Hồng giá rẻ hơn cho thuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO