Tập đoàn GFS: Gây lãng phí tài nguyên, trách nhiệm thuộc về ai? Bài 2: Tiếp tục lấy ý kiến các Sở, ngành

Nhóm PV điều tra| 28/12/2022 09:48

Dự án Thủy điện sông Âm đã khởi công xây dựng từ năm 2010, thậm chí tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu phải hoàn thành và đưa vào vận hành tháng 1/2020. Nhưng không hiểu tại sao, tới giờ UBND tỉnh Thanh Hóa lại yêu cầu các sở, ngành tham vấn ý kiến về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện sông Âm? Dự án còn chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm huyện Lang Chánh và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa theo quy định.

Nhiều Sở góp ý trực diện vấn đề

Tham gia ý kiến về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện sông Âm, tại mục quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa nêu rõ: Đến nay, Công ty CIE chưa xác định được vị trí đầu tư đường dây truyền tải điện, chưa thể hiện nhu cầu sử dụng đất, việc sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Lang Cháng và Bá Thước được phê duyệt. Do đó, chưa đủ cơ sở để Sở thống nhất với đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện sông Âm theo đề xuất của Công ty CIE.

anh-1-bai-2.jpg
Ông Lê Văn Hiếu - Cán bộ Địa chính xã Tam Văn ngao ngán chỉ về vị trí được cho sẽ xây dựng các hạng mục của Dự án Thủy điện sông Âm

Về nhu cầu sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa tiếp tục đề nghị: Để có cơ sở đánh giá nhu cầu sử dụng đất của Dự án Thủy điện sông Âm, đề nghị Công ty CIE xác định cụ thể phạm vi, yêu cầu về thời gian sử dụng đất của từng công trình; xác định vị trí đường dây truyền tải 35kV; có đánh giá về nhu cầu sử dụng đất để hoàn trả các công trình phục vụ công cộng khi tiến hành tích nước (nếu có). Đồng thời, đối với các dự án có diện tích lớn, việc giải phóng mặt bằng có liên quan đến nhiều đối tượng sử dụng đất, đặc thù kinh tế - xã hội; do đó đề nghị Công ty CIE tham khảo ý kiến UBND huyện Lang Chánh và Bá Thước về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để đề xuất tiến độ đầu tư, thực hiện hồ sơ, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Trong khi, Sở Công Thương Thanh Hóa tham gia ý kiến tại Văn bản số 2999/SCT-QLNL ngày 10/10/2022 nêu rõ: Ngày 30/12/2021, Văn phòng Tỉnh ủy có Công văn số 2055-CV/VPTU về việc triển khai thực hiện Dự án Thủy điện sông Âm, theo đó Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Dự án Thủy điện sông Âm. Do đó, Dự án cần phải có ý kiến đồng ý chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy để được tiếp tục triển khai.

Tại Văn bản số 7596/SXD-HT ngày 14/10/2022, Sở Xây dựng góp ý thẳng thắn về quy hoạch: Dự án Thủy điện sông Âm (đối với khu đất xây dựng Nhà máy, cụm đầu mối, lòng hồ thủy điện) thuộc khu vực chưa có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng chung xã được phê duyệt; khu đất đường dây truyền tải 35kV do hồ sơ không gửi kèm bản đồ phương án tuyến đường dây truyền tải. Vì vậy chưa đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp quy hoạch.

Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Opic và Cộng sự cho biết: Dự án thủy điện sông Âm tại các xã Tam Văn, Yên Thắng, huyện Lang Chánh và các xã Thiết Ống, Văn Nho, huyện Bá Thước, nếu chưa xác định được vị trí đầu tư đường dây truyền tải điện, chưa thể hiện nhu cầu sử dụng đất, việc sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Lang Chánh và Bá Thước được phê duyệt sẽ không đủ cơ sở để phê duyệt đầu tư dự án.

Tương tự, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 4421 nêu: Để việc đầu tư Dự án không ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu ở khu vực hạ lưu, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, đề nghị Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa theo đúng quy định hiện hành; đồng thời nghiêm túc thực hiện theo quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 22 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó hệ thống sông Mã: 7 dự án; sông Chu: 4 dự án; sông Luồng: 5 dự án; sông Lò: 3 dự án; sông Âm, sông Khao, suối Hối: mỗi sông, suối có 1 dự án; Hiện tại có 11 dự án đã đi vào hoạt động; 2 dự án đang triển khai đầu tư; 2 dự án đã có chủ trương đầu tư; 7 dự án đã có trong quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó có Dự án Thủy điện sông Âm).

Liên quan tới quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ: Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua quy hoạch phòng, chống lũ đối với các tuyến sông có đê (hợp phần sông Mã, sông Yên, sông Bạng) tại các Nghị quyết số 84 và 85/NQ-HĐND ngày 7/12/2017; trong đó, không quy hoạch phòng, chống lũ cho tuyến sông dự kiến đầu tư Dự án Thủy điện sông Âm. Vì vậy, chưa có cơ sở để đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cần xem xét thu hồi dự án

Đối với việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại Thông báo số 404/TB-HĐND ngày 13/7/2018, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có kết luận: “Hạn chế và tiến tới dừng triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh”. Tại Báo cáo số 197/BC-BCS ngày 17/7/2019, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến: “Tiếp tục rà soát quy hoạch đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động đến môi trường, xã hội; các loại đất đai, cơ sở hạ tầng và người dân sinh sống; chỉ đồng ý cho quy hoạch các dự án được cơ quan chức năng đánh giá thực sự có hiệu quả đến phát triển kinh tế, xã hội khu vực và có ảnh hưởng, tác động thấp đến đất đai, môi trường và đời sống nhân dân”.

img_1670922372337_1670922500398.jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét đánh giá tổng thể về Dự án Thủy điện sông Âm

Theo quy định tại mục 2, Điều 13 Thông tư 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành thì nội dung này được quy định như sau: Nhà đầu tư phải đảm bảo vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 30% tổng mức đầu tư dự án và được các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay phần vốn đầu tư còn lại. Nhà đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn Chủ đầu tư quy định tại khoản 2, Điều 15 của Thông tư này về kế hoạch bố trí các nguồn vốn đầu tư dự án, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, mục 1, Điều 23 Thông tư 43 quy định rõ: Đối với các dự án thủy điện đã cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư mà sau 12 tháng nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện đúng tiến độ đã quy định (trừ các dự án được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện), phải thu hồi dự án để giao chủ đầu tư khác theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư.

Thực hiện chủ trương loại dần các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch, thời gian qua nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã mạnh tay loại bỏ nhiều dự án thủy điện chậm triển khai, chậm tiến độ, không phù hợp quy hoạch. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét đánh giá tổng thể về Dự án Thủy điện sông Âm, để tránh việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên về lâu dài.

Bài 3: Thuê đất thuộc hành lang thoát lũ tận 20 năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn GFS: Gây lãng phí tài nguyên, trách nhiệm thuộc về ai? Bài 2: Tiếp tục lấy ý kiến các Sở, ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO