Doanh nghiệp - doanh nhân

Tập đoàn Đèo Cả: Giá trị phát triển bền vững qua những công trình giao thông

Vũ Hằng (thực hiện) 06/02/2024 - 14:37

(TN&MT) - Những công trình hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội của đất nước mà còn mang đến nhiều giá trị phát triển bền vững cho tương lai. Xoay quanh vấn đề này phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Trần Chủng - Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả, Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

anh-1-o-tran-chung.jpg
PGS. TS. Trần Chủng - Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả, Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

PV: Ông có thể cho biết tại sao xây dựng công trình giao thông phải gắn liền với phát triển bền vững? Các tiêu chí để xác định một công trình hạ tầng giao thông đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững là gì?

PGS. TS. Trần Chủng: Trước tiên phải khẳng định, phát triển bền vững là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới. Hiểu một cách đơn giản, phát triển bền vững là những công việc mà chúng ta thực hiện để đáp ứng nhu cầu của hiện tại nhưng không làm tổn hại đến nhu cầu, mong muốn của thế hệ tương lai. Phát triển bền vững bao hàm 3 yếu tố cần phải cân bằng là phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo tồn thiên nhiên.

Do vậy, hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo điều kiện để kinh tế phát triển thông qua kết nối giao thương giữa các vùng kinh tế, “đánh thức” tiềm năng của các địa phương, khu vực. Thụ hưởng lợi ích từ các công trình giao thông đó chính là con người, đời sống của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, như vậy giá trị an sinh xã hội tăng lên.

Tiêu chí bảo tồn thiên nhiên là thách thức rất lớn khi xây dựng các công trình giao thông. Bởi làm sao vừa có con đường kết nối thông thương, nhưng phải hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.

PV: Theo ông, vấn đề phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông ở nước ta đã được quan tâm đúng mức chưa?

PGS. TS. Trần Chủng: Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra nhiệm vụ phát triển đất nước, giao thông phải đi đầu, vì vậy ngay từ đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, Nhà nước tập trung đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Sau 2004, đầu tư hơn 3.000km đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó, tỉnh Cao Bằng tới đất mũi Cà Mau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các khu vực, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam cũng đang tích cực được triển khai, đến năm 2030 khi hoàn thành toàn tuyến 5.000km cao tốc sẽ trở thành huyết mạch chính của hệ thống giao thông đường bộ, kích hoạt sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ bảo tồn thiên nhiên, vẫn còn một số công trình dự án hạ tầng giao thông gây tổn hại cho môi trường. Nguyên do chính bởi các dự án bị khống chế suất đầu tư ban đầu, dẫn đến hạn chế về phương án kỹ thuật trong thiết kế xây dựng hay giải pháp vật liệu, không tối ưu trong yếu tố bảo vệ môi trường.

Ví dụ, việc làm đường bộ cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp kết hợp xây dựng cầu cạn với đường trên mặt bằng sẽ giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như khan hiếm cát xây dựng, cản trở dòng thoát lũ, phá vỡ cảnh quan sinh thái… mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, đặc biệt giữ gìn môi trường lâu dài cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vì bài toán tài chính đầu tư ban đầu lớn nên chưa được ủng hộ thực hiện.

PV: Ông đánh giá như thế nào về giá trị phát triển bền vững ở những công trình dự án do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, thưa ông?

PGS. TS. Trần Chủng: Hầm đường bộ Đèo Cả hội tụ đầy đủ 3 yếu tố của phát triển bền vững. Nó không chỉ là một dự án quan trọng trên tuyến đường huyết mạch QL1A mà còn mang tính liên kết lâu dài của chương trình phát triển đường cao tốc Việt Nam. Công trình đã xóa được điểm đen lớn về nguy cơ ách tắc, mất an toàn giao thông trên QL1A và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội đối với khu vực Nam Trung bộ và cả nước.

Nói đến giá trị bảo tồn thiên nhiên, phương án thực hiện các công trình giao thông tối ưu để hài hòa với “mẹ thiên nhiên” là “qua núi làm hầm, qua thung lũng làm cầu”. Hầm Đèo Cả là một công trình giao thông thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa tình trạng chặt cây, bạt núi, tàn phá môi trường xung quanh. Mỹ quan công trình cũng được chú trọng để tạo nên cảnh quan phóng khoáng, hòa hợp với vẻ đẹp thiên nhiên.

Không chỉ hầm Đèo Cả, những công trình sau này do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đều thể hiện rất rõ những giá trị phát triển bền vững. Tập đoàn Đèo Cả còn thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua trách nhiệm với cộng đồng và với cán bộ công nhân viên trong hệ thống. Từ chế độ phúc lợi cho người lao động, thăm khám sức khỏe cho đến cơ sở vật chất tại văn phòng làm việc, tiện nghi sinh hoạt tại các khu ăn nghỉ của cán bộ kỹ sư, công nhân trên công trường đều được chú trọng thường xuyên.

thumbnail_anh-2.jpg
PGS. TS. Trần Chủng thị sát chất lượng thảm nhựa đường đèo Prenn - công trình do Tập đoàn Đèo Cả thi công

PV: Để nâng cao nhận thức và hành động đẩy mạnh phát triển bền vững khi thực hiện các công trình giao thông, ông khuyến nghị những giải pháp gì cho Đèo Cả và doanh nghiệp hạ tầng giao thông khác, thưa ông?

PGS. TS. Trần Chủng: Công tác đào tạo phối hợp với tuyên truyền rất quan trọng để nâng cao nhận thức cho người lao động hiểu đúng, hiểu rõ, rằng những công việc chúng ta đang làm không chỉ để tạo ra những công trình đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn là ý thức trách nhiệm và trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng cho con người.

Nhận thức được việc mình đang làm hôm nay tạo ra những giá trị cho thế hệ mai sau sẽ khích lệ tinh thần người lao động tự hào về công việc của mình, nâng cao trách nhiệm trong từng việc làm. Đó cũng chính là cách giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và người lao động tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa giá trị phát triển bền vững mà Tập đoàn Đèo Cả đóng góp qua mỗi công trình giao thông cho đất nước.

Tôi mong muốn và tin tưởng những con người đang làm việc và cống hiến trong hệ thống ngày càng hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn về phát triển bền vững, ứng xử chuẩn mực trong quá trình xây dựng những công trình giao thông, từ đó có trách nhiệm với những việc mình làm để đóng góp cho Tập đoàn nói riêng và cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Đèo Cả: Giá trị phát triển bền vững qua những công trình giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO