Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh như vậy khi chủ trì cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Môi trường, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT…về việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường, diễn ra vào sáng 12/12, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo |
Theo báo cáo của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TN&MT thời gian qua được thúc đẩy một cách mạnh mẽ. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của 28 hiệp định quốc tế đa phương liên quan đến TN&MT(MEAs), chưa kể các cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong các FTA được đàm phán và ký kết. “Cho đến nay, có thể nhận thấy rằng, Việt Nam đã hội nhập khá toàn diện với thế giới và quốc tế nói chung về môi trường”, ông Hoàng Xuân Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhận định.
Thực tế cho thấy, hội nhập quốc tế về môi trường vừa mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đồng thời tạo ra không ít các tác động tiêu cực đến môi trường và nhiều khó khăn, thách thức.
Trong quá trình nội luật hóa các công ước, luật định quốc tế, xây dựng và điều chỉnh chính sách pháp luật theo hướng phù hợp với các nghĩa vụ về môi trường đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế liên quan vẫn còn không ít hạn chế và bất cập. Một số chính sách và quy định pháp luật trên nền tảng cũ còn chưa thực sự phù hợp với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế, cùng với đó là sự hạn chế về nguồn lực cần phải có để thực thi nghiêm túc và hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trình bày về dự thảo Đề án |
Trong khi đó, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về môi trường tiếp tục diễn biến theo theo xu thế sâu hơn về nội dung và mức độ, và rộng hơn về phạm vi và hình thức. Xu thế hội nhập quốc tế này đã và đang mang lại nhiều lợi ích, cơ hội và tiềm năng cho các quốc gia, nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Đó là phạm vi, quy mô và mức độ ngày càng lớn, nghĩa vụ và mức độ ràng buộc về pháp lý ngày càng tăng. Đa dạng, phong phú về nội dung và lĩnh vực, tiếp tục hình thành nhiều khuôn khổ hoặc “sân chơi” quốc tế với nhiều “luật chơi” mới ở nhiều quy mô về địa lý, từ vùng, khu vực và toàn cầu. Yêu cầu và đòi hỏi về trách nhiệm tăng khi tham gia, kèm theo sự đầu tư và đóng góp tài chính tăng. Cơ chế đánh giá, giám sát việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong quá trình hội nhập ngày càng chặt chẽ kèm theo chế tài xử lý khi không tuân thủ và thực thi nghĩa vụ đã cam kết.
“Với những lý do đó, có thể nhận thấy, việc tăng cường, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các đối tượng gồm khối các cơ quan quản lý ở các cấp; việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và người dân để thực thi nghiêm túc và có hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ liên quan đến môi trường mà Việt Nam đã ký kết và tham gia trong các khuôn khổ quốc tế là hết sức cần thiết trong thời gian tới. Đây chính là lý do của việc cần thiết đề xuất xây dựng và thực hiện “Đề án Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường” trong bối cảnh hiện nay, ông Hoàng Xuân Huy nói.
Toàn cảnh cuộc họp |
Góp ý vào Đề án này, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ cho rằng, cần làm rõ bối cảnh hợp tác quốc tế với những biến chuyển mới, Việt Nam cũng ở vị thế mới, trong khi năng lực hợp tác quốc tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đơn cử như kiến thức hiểu biết về pháp luật quốc tế còn kém, năng lực đàm phán quốc tế yếu, cơ chế chính sách về hội nhập quốc tế chưa được sửa đổi theo tư duy mới, bối cảnh mới, năng lực về tài chính và năng lực của địa hương và doanh nghiệp tư nhân còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, hội nhập quốc tế luôn có tính hai mặt. Việc tăng cường năng lực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường của Việt Nam chính là tạo lớp bảo vệ cho Việt Nam ít bị tổn hại khi tham gia hội nhập. Muốn việc hội nhập quốc tế về môi trường đạt hiệu quả tích cực hơn, phải tăng cường chính nội lực của Việt Nam. Theo đó, cần đánh giá rõ năng lực hợp tác quốc tế về môi trường ở Việt Nam, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.
Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường, Viện Chiến lược chính sách TN&MT phối hợp xây dựng một tổ công tác, cùng chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến đề án, trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.