Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, sinh viên và giảng viên của cả hai trường Đại học trên đều khẳng định họ đã có ý thức hơn với môi trường kể khi tham gia vào dự án trên và mong muốn được tiếp tục thực hiện các dự án tương tự.
Ông Nguyễn Khắc Thành - Phó Trưởng Khoa Môi trường, Đại học TN&MT Hà Nội: Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Giới trẻ là những người theo xu hướng dịch chuyển, sẵn sàng thay đổi, đặc biệt dễ thay đổi lối sống. Trong đó, những bạn trẻ trong học đường từ việc thay đổi lối sống chính của bản thân dẫn đến lan rộng lối sống xanh cho những người xung quanh như bạn bè trong trường, giảng đường, kí túc xá và nơi họ sinh sống như gia đình, hàng xóm, người thân quen.
Sinh viên thuộc tuýp người tư duy tốt vì họ dễ tiếp nhận những cái mới, vì thế họ chính là đối tượng mà dự án hướng tới. Muốn hình thành lối sống xanh phải thay đổi nhận thức và tư duy, sau đó, mới chuyển thành hành động!
Một hành động nhỏ tích hợp thành thói quen tốt. Nhiều hành động nhỏ hay sáng kiến sẽ góp phần tích hợp tạo thành hành động lớn và thói quen tốt. Tôi tin dự án đang hiện thực hóa và thực sự tạo ra xu hướng và phong trào BVMT được các bạn trẻ đón nhận.
Ông Lê Ngọc Thuấn - Bí thư Đoàn Trường Đại học TN&MT Hà Nội: Gắn hoạt động đoàn thể với màu sắc của sinh viên
Tuyên truyền luôn là giải pháp cần được triển khai thường xuyên và liên tục. Để dự án có thể kéo dài lâu hơn nữa cần có thêm các biện pháp duy trì tác động tuyên truyền lâu hơn, như sự ủng hộ của nhà trường, đoàn thanh niên trong việc xây dựng ý tưởng liên quan đến lối sống xanh, khi đó, ý tưởng mới được nuôi dưỡng, nhắc nhở và ý nghĩa hơn.
Trần Tố Uyên - Sinh viên Khoa môi trường, Đại học TN&MT Hà Nội: Dự án có tính lan tỏa rất cao
Hai hoạt động chính của dự án là tập huấn kiến thức và triển khai các hoạt động về lối sống xanh. Việc triển khai ý tưởng mạnh hơn và nhiều hoạt động diễn ra đã tạo thành làn sóng lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng nói chung và sinh viên nói riêng tham gia các hoạt động này. Đây chính là cơ hội để sinh viên tham gia vào các hoạt động liên quan đến lối sống xanh.
Bà Lê Thanh Huyền - Bí thư Đoàn Trường Đại học Giáo dục: Khơi gợi nhiều hoạt động BVMT từ giảng viên đến sinh viên
Giảng viên trong trường thường có mối quan tâm về chuyên môn nhiều hơn các hoạt động của dự án, tuy vậy, khi Nhà trường triển khai đưa ra những ý kiến về dự báo thảm họa môi trường và mỗi tác động nhỏ tạo thành tác động lớn,… giảng viên đã tham gia tích cực vào các hoạt động.
Cùng với thời điểm triển khai dự án, trong năm 2017, Nhà trường cũng phát động ngày hội cho sinh viên dọn dẹp giảng đường như: dọn nhà đón tết, dọn nhà chào đón tân sinh viên. Mỗi chương trình huy động khoảng 50 sinh viên tự sử dụng chổi hoặc thiết bị lau kính để dọn dẹp giảng đường.
Ngoài ra, Đảng ủy Ban Giám hiệu Nhà trường cũng có quy định không sử dụng rác thải nhựa trong tất cả các cuộc họp hay các buổi làm việc và yêu cầu tất cả giảng viên chấp hành nghiêm.
Phạm Quang Huy – sinh viên ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Giáo dục: Ý thức hơn với môi trường từ giảng đường đến nơi sinh sống
Ngày trước, nhà em ở Khâm Thiên, nhà chật không có chỗ trồng cây và em cũng không có nhiều suy nghĩ hay ý tưởng về việc BVMT, nhưng sau khi tham gia tập huấn, em đã thay đổi nhận thức của mình với môi trường từ giảng đường đến nơi em sinh sống. Cụ thể, vào dịp nghỉ hè, em đã đề xuất với lãnh đạo phường Khâm Thiên huy động các bạn học sinh, sinh viên trồng cây ở những điểm không phải điểm tập kết rác nhưng người dân vẫn xả rác ra.