Trong nước

Tạo điều kiện phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững

Thanh Tùng - Khương Trung 17/06/2024 - 15:49

Chiều 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

68.jpg
Quang cảnh phiên họp

Luật Công chứng năm 2014 bộc lộ một số hạn chế

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; Chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; Việc phát triển TCHNCC tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển;…

88(1).jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Ngoài ra, ngày 14/8/2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ban hành Kết luận số 2034/KL-UBPL15 về Phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, trong đó đã đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về công chứng. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng trình bày tóm tắt những điểm mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về các nội dung: Công chứng viên; Tổ chức hành nghề công chứng; Hành nghề công chứng; Thủ tục công chứng giao dịch; Cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; Phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác; Quản lý nhà nước về công chứng; Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại và giải quyết tranh chấp.

Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và nhận thấy, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định tại các văn bản dưới luật đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, làm gia tăng chi phí tuân thủ, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến về nội dung này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành kế thừa quy định về loại hình tổ chức của Văn phòng công chứng như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, CCV là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Việc tổ chức Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân như Luật Công chứng năm 2006 có những điểm không phù hợp do khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ theo loại hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với CCV; những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một CCV duy nhất đã được giải quyết khi Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động. Hơn nữa, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một CCV làm chủ là rất phù hợp.

Do đó, để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu thực tiễn, đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo Luật theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

“Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết.

8866.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Đối với quy định về công chứng điện tử (mục 3 Chương V), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật quy định công chứng điện tử thực hiện theo 2 phương thức: Công chứng điện tử trực tiếp và Công chứng điện tử trực tuyến. Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Đồng thời cho rằng, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến về phạm vi công chứng điện tử. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề sau đây: Xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; Đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để có cơ sở thực hiện theo lộ trình…

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, khi áp dụng công chứng điện tử, nhất là theo phương thức công chứng điện tử trực tuyến, vẫn có một số yếu tố cốt lõi của công chứng nội dung mà công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế được hoàn toàn vai trò của con người, do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt, dự thảo Luật cần quy định rõ chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế... như kinh nghiệm nhiều nước theo mô hình công chứng nội dung. Giao Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao Chính phủ thực hiện thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này.

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cũng đưa ra ý kiến về các nội dung như: trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng; các hành vi bị nghiêm cấm; đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; thủ tục công chứng giao dịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO