Trong nước

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Thanh Tùng - Khương Trung 25/06/2024 - 14:48

Sáng 25/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

6(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận.

Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Pháp luật tổ chức nghiên cứu giải trình thảo luận tại tổ và có Báo cáo số 256 ngày 24/6/2024 gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Cân nhắc giữ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo Luật hiện hành

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

thang.jpg
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận

Liên quan tới tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, Khoản 3, Điều 8, dự thảo Luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, quy định nêu trên giảm 2 năm so với Luật hiện hành, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng, bởi quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm. Lưu ý, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật từ đủ 5 năm trở lên.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng phân tích thêm, công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là nghề bổ trợ tư pháp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, phòng ngừa tranh chấp khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử nhân luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên.

hieu.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về chức danh trợ lý công chứng viên, đồng thời nêu rõ, hiện nay trợ lý công chứng viên là thành phần không thể thiếu trong các tổ chức hành nghề công chứng và đang thực hiện khối lượng công việc khá lớn trong các tổ chức này.

Bên cạnh đó, hoạt động của trợ lý công chứng viên đang có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên có liên quan trong hoạt động công chứng. Hiện nay, trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng, từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch, sắp xếp đến tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật hồ sơ, dữ liệu…

Với phạm vi xử lý công việc lớn như vậy, hoạt động của trợ lý công chứng viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động công chứng, cũng như trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, nhất là trong việc bảo mật thông tin. Do vậy, "nếu không có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ thì không có cơ sở để các trợ lý công chứng viên có tư cách giao tiếp, xử lý công việc, cũng như không rõ các nghĩa vụ cụ thể để bảo đảm quyền lợi của khách hàng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích.

Mặt khác, qua tham khảo kinh nghiệm pháp luật các nước, trong đó có các nước theo hệ thống công chứng Latinh như Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc... đều có quy định về quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên trong dự thảo Luật.

Cân nhắc kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 7 của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Công chứng hiện hành như nghiêm cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức của mình.

thong.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, các hành vi bị nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định. Nội dung nghiêm cấm như dự thảo Luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như là quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên và tổ chức thành người công chứng cũng như các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhận thấy rằng, dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất là phù hợp. Một mặt là vừa là góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Ngoài ra, hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể là gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để đảm bảo hoặc là duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất là khó. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành thì nên chăng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Vì thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của Văn phòng công chứng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nên nghiên cứu nội dung này.

hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.

Về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Nghiên cứu kỹ các ý kiến để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ và hội trường; cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

8.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cách tiếp cận của dự án luật này theo hướng công chứng là dịch vụ công, trước đây nhà nước thực hiện thực hiện công việc này. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta xã hội hóa một số hoạt động, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm và cách tiếp cận và một số điều kiện bắt buộc gắn với dịch vụ công thì không thay đổi. Chúng ta thống nhất với cách tiếp cận và cũng thống nhất về cơ bản giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra thiết kế một số quy định đi theo mạch này.

Trong đó, mô hình của tổ chức hành nghề công chứng, năm 2006, chúng ta mở ra hai mô hình, sau đó khi tổng kết thực hiện nhận thấy không phù hợp. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 3.300 công chứng viên và 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, như vậy trung bình có 2,5 công chứng viên đối với một tổ chức hành nghề, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm thông tin này để xem xét mô hình của văn phòng công chứng.

Về lý do cấm quảng cáo, Phó Thủ tướng cho biết, từ cách tiếp cận đây là dịch vụ công thì không thương mại hóa. Chúng ta không cấm hoàn toàn các công cụ để tự giới thiệu về mình của các tổ chức hành nghề công chứng; chỉ cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

88.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 28 ý kiến phát biểu, trong đó có 4 ý kiến tranh luận. Còn 8 đại biểu đăng ký phát biểu và 1 đại biểu đăng ký tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, nghiên cứu.

Qua phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực, và đề xuất nhiều phương án sửa đổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung cụ thể thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO