Tăng tỷ trọng năng lượng sinh khối tại Việt Nam

Khánh Ly| 09/06/2020 14:36

(TN&MT) - Ngày 9/6, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM)”.

Dự án được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023, nhằm phát triển các điều kiện thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sinh học bền vững để phát điện và nhiệt ở Việt Nam.

Các hoạt động của dự án bao gồm: Cải thiện khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng sinh khối; nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính, tổ chức liên quan, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân tham gia vào quá trình phát triển này; thúc đẩy hợp tác công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa các bên liên quan trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực năng lượng sinh khối.

Ông Joerg Rueger - Thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục Trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, với tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực nâng cao tỷ trọng sinh khối trong sản xuất điện năng. Các cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển điện sinh khối đã được ban hành năm 2014 và sửa đổi bổ sung năm 2020 nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tỷ trọng điện sinh khối sản xuất đến năm 2030 đạt 2,1% theo Quy hoạch Phát triển Điện VII sửa đổi.

Ông Joerg Rueger - Thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Đức khẳng định, Dự án BEM sẽ hỗ trợ nhiều cho Chính phủ Việt Nam tăng tỉ trọng của năng lượng sinh khối trong nước. Cụ thể, dự án BEM sẽ hỗ trợ thực hiện để đạt các mục tiêu về năng lượng tái tạo được nêu trong Quy hoạch phát triển điện VII sửa đổi, Chiến lược tăng trưởng xanh và Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục Trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu tại hội thảo

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã cho thấy khả năng phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong khi đó, năng lượng sinh khối vẫn chưa được khai thác đúng mức. Năng lượng sinh khối được coi là trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững do tận dụng tối đa các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như bã mía để phát điện, góp phần bảo vệ khí hậu. Số lượng các nhà máy điện sinh khối ngày càng tăng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng đạt được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) - ông Joerg Rueger nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo khởi động

Dự án BEM do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) tài trợ thông qua Chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) và do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và GIZ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tỷ trọng năng lượng sinh khối tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO