Lần giở trên nhiều trang báo, hình ảnh nước lũ phủ kín làng mạc, hung hãn dâng tràn trên các con sông ở miền Trung cùng cận cảnh bao gương mặt thất thần trước những mất mát lớn lao về người đã khiến tất thảy mọi người dân đều nhói đau.
Tang thương trùm lên một dải miền Trung. Cả nước sững sờ. Những dòng sông hiền hòa hôm nào, nay nước dâng cao cuốn trôi của cải, nhấm chìm tất cả. Rồi núi lở, vùi lấp bao người. Cảnh tang thương, đổ nát cứ hằn sâu.
Đến hôm nay, cả vùng chịu lũ đã mất đi gần 100 người. Phần lớn những người nằm xuống đều còn rất trẻ. Phía sau họ là gia đình, là những người vợ trẻ, những đứa con còn ẵm ngửa; là những người mẹ, người cha đang cần họ làm chỗ dựa.
Ảnh minh họa |
Thông tin từng giờ mà báo chí đưa về vẫn cứ như thêm lửa vào lòng bao người. Nước vẫn dâng cao. Mưa chưa có dấu hiệu dứt. Các cảnh báo về sạt lở, nước dâng vẫn chưa ngừng.
Ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị), mưa vẫn chưa mấy ngớt, các đội tìm kiếm vẫn căng mình trong mưa lũ để tìm kiếm người mất tích.
Tại Hà Tĩnh, Lệnh sơ tán dân đã được ban bố, di dời dân vùng hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ. 13.300 hộ dân huyện Cẩm Xuyên, 1.400 hộ dân ở Thạch Hà cùng 263 hộ dân TP. Hà Tĩnh thuộc diện phải di dời.
Dưới hạ du những thủy điện, hồ chứa, đang còn đó hàng vạn mái nhà chông chênh trong lũ. Ngổn ngang trăm bề! Thiệt hại về vật chất có thể tính bằng tiền. Nhưng tính sao cho hết để đong đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em… mất đi người thân của mình!(?)
Không đau xót sao được khi những cảnh báo, những dự báo đã được đưa ra, nhưng thảm cảnh vẫn cứ xảy ra, vẫn cứ gieo tang tóc xuống đầu bao Đồng bào vốn ở những vùng miền khó khăn nhất. Vẫn biết, sau bão là mưa lớn, là lũ dữ, nhưng người dân lại chẳng thể ngờ thiên nhiên tàn khốc như thế.
Sông nước muôn đời vẫn thế, mưa lớn là nước lên. Nơi đầu nguồn, mưa lớn là lũ về. Nhưng năm nay mọi điều đã vượt xa những dự báo, những kinh nghiệm chống lũ từ bao đời. Rừng bị chặt phá, bị khai thác đến cùng kiệt. Bởi thế, nơi đầu nguồn chẳng thể điều tiết lũ. Những con đê bây giờ cũng trở lên mong manh trước con nước dữ. Chính chúng ta đang phải gánh lấy hậu quả từ sự khai thác vô tội vạ thiên nhiên. Giá như những cánh rừng bất tận ngày nào còn, giá như chúng ta không đốt nóng những vùng đất xanh tươi một thủa, không khai thác cạn kiệt những dòng chảy… thì có lẽ…???!
Bây giờ, hình ảnh những khối đất đá chảy tràn, vô tri, đè lấp bao mạng người, sám ngắt, như vết cứa sắc lạnh vào lòng người. Còn trong đó người chưa tìm thấy. Những Rào Trăng 3, Hướng Phùng…đã thành tâm điểm của các cuộc tìm kiếm. Dù một phút cũng còn hy vọng. Và tất thảy đều đang trong những nỗ lực ở mức cao nhất.
Mưa lũ miền Trung đang vượt qua mọi mốc lịch sử ghi lại từ trước đến nay. Thiệt hại có thể chưa dừng lại. Và từ thảm họa sạt lở, ngập lụt ở miền Trung, người ta rồi sẽ đưa ra những bài học… kinh nghiệm đau xót, xương máu. Rồi trách nhiệm cụ thể cũng sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ.
Con nước hung tàn kia rồi cũng sẽ rút. Sẽ chỉ còn lại hằn sâu bùn đất và tan hoang. Từ đau thương, nhịp sống sẽ hồi sinh, con người nơi đây sẽ tạo dựng cho mình một nơi sống bền vững.
Nhưng khi ấy, xin hãy khắc những dòng tên, ngày tháng này để tưởng nhớ những người đã mất; để không còn những tai nạn thảm khốc, những vành khăn tang trắng trên những mái đầu xanh!