PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai |
Pv: Thưa ông, sức đề kháng là gì? Nó có vai trò quan trọng như thế nào đối với con người?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong. Các tác nhân gây bệnh thường là vi rút, vi khuẩn, nấm và nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài. Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch.
Hệ thống miễn dịch của con người gồm có 2 loại: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Trong đó, miễn dịch tự nhiên là dòng đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, liên quan đến di truyền. Miễn dịch thu được do con người tạo ra để giúp cơ thể sinh ra chất chống lại tác nhân gây bệnh. Trên cơ thể người đã được tiêm phòng vắc xin, khi vi rút xâm nhập vào bên trong, cơ thể sẽ sản sinh ra chất chống lại nó.
Như vậy, sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,…xâm nhập vào cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt sẽ giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, hoặc người đã nhiễm bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn. Cho nên, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
PV: Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu để phòng chống dịch Covid-19. Ông có thể chia sẻ một số loại thực phẩm giúp tăng cường khả năng miễn dịch, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Để phòng và chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (Covid-19), chúng ta cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường dinh dưỡng để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Các bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo cung cấp đủ thành phần các chất như chất đạm, đường, chất béo. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Theo đó, nhóm thực phẩm giàu chất bột đường từ cơm, bún, phở, bánh mì; nhóm thực phẩm giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa; chất béo có từ dầu hoặc các loại hạt. Đặc biệt, chúng ta nên ăn nhiều trái cây, rau củ bởi nó cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, trong một trường hợp mà chúng ta không thể tự bổ sung vitamin như người hay đi công tác xa, ốm đau, chế biến thức ăn làm mất vitamin,… thì chúng ta có thể dùng thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng là thực phẩm được dùng nhằm để hỗ trợ chức năng của các/nhiều bộ phận trong cơ thể người; có tác dụng dinh dưỡng; tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng cũng như giảm nguy cơ gây bệnh.
Ăn uống đủ chất góp phần nâng cao sức đề kháng của con người |
PV: Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc các căn bệnh nền là những người có sức đề kháng yếu. Ông có lưu ý gì về chế độ dinh dưỡng đối với những đối tượng đặc biệt này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Đối với người cao tuổi, đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Đối với trẻ em, cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng.
Pv: Xin ông có thể chia sẻ thêm về một số biện pháp khác giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, chúng ta cũng nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ sinh hoạt hợp lý, uống nhiều nước, ăn ngủ đúng giờ và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để nâng cao sức khỏe.
Tập luyện điều độ mỗi ngày để cơ thể được thư giãn, đồng thời tăng hấp thu các chất từ chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe. Trong bối cảnh thế giới và nước ta đang đối mặt với dịch Covid - 19 như hiện nay, nếu không thuộc diện cách ly thì chúng ta vẫn có thể vận động, tập thể dục ngoài công viên bình thường, chỉ cần giữ khoảng cách 2m với những người còn lại. Bên cạnh đó, đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng đông người như bến tàu, nhà ga, xe bus,.. theo như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng. Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh làm việc quá sức, tạo áp lực đè nặng lên thần kinh gây ra stress. Cố gắng thư giãn mỗi ngày.
Ngoài ra, chúng ta nên tránh thức khuya, hút thuốc lá thường xuyên bởi vì hút thuốc lá làm viêm mạc đường hô hấp kém, tạo điều kiện cho virus tấn công.
Nói chung, nếu có chế độ ăn uống và cách sống khoa học, lành mạnh thì sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!