Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ cách làm hữu cơ, tuần hoàn
(TN&MT) - Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hiện đang là xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Đây được xem là những giải pháp hiệu quả để vừa nâng cao giá trị nông sản Việt, vừa thay đổi phương thức canh tác theo hướng bảo vệ môi trường.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại Việt Nam hiện có khoảng 500.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong khoảng 11,5 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Cả nước hiện có 46/63 tỉnh/thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với sự tham gia của 100 doanh nghiệp và 17.000 nông dân. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm gạo, tôm, dừa, cà phê, sữa, trà, trái cây...
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu do áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, giảm ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sự sống của các loài động vật hoang dã… Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang hướng tới thị trường xuất khẩu với giá trị thương mại cao hơn và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Giai đoạn 2019 – 2021, Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam đã chủ trì, triển khai 4 mô hình sản xuất rau hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Lâm Đồng, Hòa Bình, Đồng Nai và TP Hà Nội. Mặc dù năng suất đạt thấp hơn ngoài mô hình từ 20 - 30% nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 - 15%. Các HTX và hộ dân còn tự mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ thêm khoảng 10 ha/điểm mô hình/năm…
Thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị tập trung triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu và các sản phẩm chủ lực. Trong đó, ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp thích nghi với từng địa phương.
Điển hình là mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 3,5 ha, năng suất dự kiến trên 5 tấn/ha tại xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Mô hình áp dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt; xử lý gốc rạ ngay tại ruộng và quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Sản phẩm lúa đầu ra đã có doanh nghiệp cam kết tiêu thụ 100% cho bà con nông dân với giá 7.500 đồng/kg lúa. Bên cạnh đó, mô hình đã làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng và xả chất thải trong chăn nuôi trút bỏ xuống kênh, rạch, sông, suối. Đồng thời giảm thiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, cải thiện độ phì nhiêu và nâng cao dinh dưỡng đất, hạn chế bệnh vùng rễ cây trồng cạn, giúp người dân tăng thu nhập, tăng giá trị sản phẩm và ổn định sản xuất.
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Với xu hướng hiện nay tiến tới nền nông nghiệp sạch, xanh thì ứng dụng công nghệ sản xuất lúa hữu cơ là hướng chúng ta mong muốn đạt tới. Với cách tiếp cận làm thế nào để xử lý môi trường, xử lý phế thải trong sản xuất lúa đang được đặt ra hiện nay, nhất là khoảng thời gian thu hoạch lúa xuân đến lúa hè thu rất ngắn thì việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong phân huỷ rơm rạ để chuyển vụ nhanh là giải pháp hữu hiệu. Chúng tôi muốn truyền tải công nghệ thông qua mô hình này và bước đầu đã thành công, chuyển vụ chỉ trong thời gian dưới 10 ngày, kết quả cho thấy cây lúa phát triển tốt, chống ngộ độc hữu cơ đồng thời lại bổ sung hữu cơ cho đất.
Một mô hình khác cũng đang cho thấy hiệu quả là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm để giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp cung cấp đầu vào và luôn đồng hành cùng nông dân trong việc quan trắc môi trường theo định kỳ cho nông dân, họ sẽ kiểm soát từ môi trường nuôi đến thức ăn… Việc tuân thủ nghiêm quy trình nuôi giúp bà con tiến tới nền sản xuất tôm hữu cơ, không kháng sinh, an toàn cho sức khỏe cho người lao động và có trách nhiệm với xã hội.
Các kết quả cho thấy, tôm đầu ra đều đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm và có năng suất 16 tấn/ha, doanh thu 1,6 tỷ đồng/ha. Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với trước khi thực hiện mô hình. Qua đây cũng hình thành 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, trên 90% số hộ tham gia mô hình được ký hợp đồng thu mua sản phẩm.
Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế, mang lại hiệu quả nhưng phải tuân thủ quy trình, các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, người làm nông nghiệp hữu cơ không sản xuất theo phong trào mà phải xem xét các điều kiện về thời gian, kinh tế, đất đai, trình độ cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm. Người làm cần tham quan thực tế các mô hình, tiếp cận tài liệu để nắm bắt các tiêu chuẩn, chứng chỉ hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được bảo vệ và nhận diện bằng các Chứng nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Để quảng bá, nhân rộng và lan toả những mô hình mới, công nghệ mới, hệ thống khuyến nông các cấp phải giúp bà con được tiếp cận với công nghệ từng bước, được nhìn thấy hiệu quả trực tiếp của mô hình, đồng thời đào tạo huấn luyện cho bà con ngay tại mô hình, tổ chức các đoàn tham quan để trao đổi kinh nghiệm, cách thức, công nghệ và kết hợp với hoạt động truyền thông để công nghệ phải xuống cánh đồng, vào được từng gia đình. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các đơn vị chuyển giao công nghệ, trung tâm khuyến nông các tỉnh và doanh nghiệp cùng có trách nhiệm tiếp tục duy trì, phát triển, lan toả, nhân rộng những mô hình này tại các địa phương – ông Lê Quốc Thanh khẳng định.