Môi trường

Tăng cường vai trò của báo chí với phòng chống tội phạm động vật hoang dã

Khánh Ly 13/06/2023 - 14:39

(TN&MT) - Ngày 13/6 tại Hà Nội, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, đồng thời, ra mắt Mạng lưới phóng viên chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Theo ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp do USAID tài trợ, Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên-WWF và Tổ chức TRAFFIC International đã ký kết hợp tác triển khai các hoạt động.

20230613120218_img_3038.jpg
Các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ về vấn đề tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng chống buôn bán động vật hoang dã

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự án là kiện toàn, mở rộng, phát triển mạng lưới phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, thúc đẩy nỗ lực của khối nhà nước, tư nhân trong đấu tranh chống buôn bán ĐVHD nhằm phát hiện, đưa tin về tội phạm động vật hoang dã.

Các tổ chức, các chuyên gia về ĐVHD sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo tham gia Mạng lưới về các kiến thức, kinh nghiệm điều tra hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ĐVHD trái pháp luật, đặc biệt là ĐVHD nguy cấp. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn ĐVHD.

Đặc biệt, Mạng lưới sẽ là cơ quan kết nối, phối hợp với các nhà báo, phóng viên trong việc điều tra, viết bài và đăng tải các bài báo, phóng sự truyền hình, chuyên đề, ấn phẩm trong việc đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển và sử dụng ĐVHD trái pháp luật. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ tiến hành tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ĐVHD thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Các hoạt động của Mạng lưới sẽ hỗ trợ đắc lực và hiệu quả chiến dịch truyền thông "Nói không với hành buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội tại Việt Nam" – ông Đảm cho biết.

z4427930200527_e095796095c5c003f666a6a7113b916b.jpg
TS. Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc CITES Việt Nam chia sẻ về thực trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam

Chia sẻ về thực trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, TS. Vương Tiến Mạnh, Phó giám đốc CITES Việt Nam cho biết, giai đoạn 2019 - 2021, các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự, với trên 500 bị cáo bị truy tố. Riêng với sừng tê giác, từ tháng 8/2019 đến hết năm 2021, lực lượng Hải quan đã bắt giữ, tịch thu trên 353kg sừng tê giác nhập khẩu trái pháp luật.

Về khó khăn đối với công tác phòng chống hiện nay, theo ông Mạnh, đó là lợi nhuận trong buôn bán động vật khoang dã quá cao, trong khi cách tiếp cận vấn đề khác nhau giữa các cơ quan quản lý, thực thi, các tổ chức, thể chế không toàn diện. Việt Nam lại nằm trong tuyến đường vận chuyển, trung chuyển động, thực vật hoang dã quốc tế nên xuất hiện hoạt động của các tổ chức tội phạm liên biên giới.

Tình trạng nở rộ phương thức buôn bán trái phép động vật hoang dã nơi mạng xã hội cũng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, mức độ ưu tiên kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã ở một số cơ quan, địa phương chưa cao; năng lực áp dụng công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế...

20230613_091912.jpg
Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp – WWF chia sẻ về Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp

Đồng quan điểm, ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp – WWF cho rằng, những năm gần đây, số tang vật các vụ buôn bán ĐVHD đã giảm nhiều. Bên cạnh hiệu quả từ việc thực thi pháp luật và tuyên truyền, nguyên nhân chính là do số lượng các loài trong tự nhiên đã suy giảm nghiêm trọng, không còn xuất hiện nhiều nữa.

Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc truyền thông WWF, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò mạnh mẽ trong giám sát và thúc đẩy sự chuyển đổi của xã hội. Trong công tác phòng chống buôn bán ĐVHD, điển hình là loạt bài “Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời” của báo Dân Việt. Sau loạt bài, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Gợi ý về một số mảng đề tài còn mờ nhạt, đại diện WWF chỉ ra, báo chí cần khắc họa chân dung của vấn đề buôn bán ĐVHD trái phép, tập trung vào các đường dây buôn bán quy mô lớn chứ không chỉ là các trường hợp không diển hình như các nhà hàng nhỏ lẻ, chỗ săn bắn nhỏ lẻ. Báo chí cần tập trung nhiều hơn vào giải thích nạn buôn bán ĐVHD trái phép chịu tác động bởi yếu tố nào, đặc biệt từ góc độ nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD. Các bài viết cần ghi nhận đây là vấn đề xuyên biên giới, xuyên lục địa để giúp độc giả hiểu rõ hơn tính nghiêm trọng của vấn đề.

Trên báo chí hiện nay vẫn còn thiếu các bài viết về các đối tượng, các đường dây buôn bán ĐVHD, làm rõ động cơ thúc đẩy họ tham gia và động cơ giúp họ ngừng tham gia. Việc tăng cường chủ đề này sẽ giúp các cơ quan chức năng xử lý một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có thêm các bài viết nhìn lại, tổng kết vấn đề xử lý các tội phạm liên quan đến ĐVHD, các điển hình tốt và những kẽ hở quy định, luật pháp về vấn đề này.

“Để hoạt động của báo chí có sức ảnh hưởng, phóng viên, nhà báo cần cân nhắc đến yếu tố tần suất tin bài, quy mô loạt bài và hướng tới tác động xã hộ có thể đo đếm được, như: cơ quan hữu trách vào cuộc, báo chí đồng loạt lên tiếng, các đối tượng và đường dây bị bắt giữ, triệt phá...” - bà Nguyễn Thúy Quỳnh nhấn mạnh.

anh-1.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý, các tổ chức về bảo tồn ĐVHD, các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí đã cùng thảo luận về khó khăn trong tác nghiệp và nhu cầu hỗ trợ về kỹ năng trong điều tra hoạt động buôn bán ĐVHD; những vấn đề cần đưa ra trong hoạt động của Mạng lưới phóng viên để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thông tin trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường vai trò của báo chí với phòng chống tội phạm động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO