Tin tức

Tăng cường tuyên truyền bảo vệ chim di cư

Vy Huyền 22/12/2023 - 20:17

(TN&MT) - Cuộc khảo sát tại ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình trong tháng 10 - 11 vừa qua đã phát hiện hơn 2.200 bẫy lưới giăng bắt chim di cư. Mật độ bẫy chim dày đặc cho thấy tình trạng săn, bẫy chim trời vẫn còn rất phổ biến.

Kết quả khảo sát do Trung tâm hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (Wild Act) đưa ra tại Hội thảo tham vấn triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn chim di cư tại các tỉnh thuộc Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, diễn ra ngày 22/12 tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

anh-truong.jpg
Ông Phan Văn Trường – Trưởng phòng Bảo tồn Tài nguyên Môi trường của VQG Xuân Thủy chia sẻ về vai trò của chim di cư với hệ sinh thái

Tại Hội thảo, ông Phan Văn Trường – Trưởng phòng Bảo tồn Tài nguyên Môi trường của VQG Xuân Thủy đã đóng góp những ý kiến về vai trò của chim di cư với Hệ sinh thái Công tác bảo tồn chim di cư tại VQG Xuân Thủy. Theo đó, VQG Xuân Thủy là vùng lõi quan trọng nhất, đại diện về đa dạng sinh học và quần thể chim nước Khu vực Đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

Trong thời gian qua, VQG Xuân Thủy đã tiến hành khảo sát nhằm nâng cao hiểu biết về sinh thái và sự phân bố của loài Rẽ mỏ thìa tại các vùng đất ngập nước ven biển trọng điểm thuộc Vịnh Bắc Bộ (tập trung vào các điểm quan trọng), đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc giám sát lâu dài. Bên cạnh đó, tích cực nâng cao năng lực của các bên liên quan tại địa phương để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và giám sát các loài chim di cư ven bờ, đặc biệt cho các vùng chim trọng điểm Xuân Thủy, Thái Thụy và An Hải. Tăng cường vận động chính sách và chương trình thực hiện hành động để bảo tồn các loài di cư đang bị đe dọa và các mối đe dọa của chúng ở miền Bắc Việt Nam.

Đại diện VQG Xuân Thủy cho rằng cần nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, xây dựng quy chế hợp tác, phối hợp giữa Ban quản lý đất ngập nước với các chủ đầm nuôi trồng thủy sản và chủ bãi nuôi ngao vạng về bảo vệ các loài chim di cư và sinh cảnh kiếm ăn của chúng.

anh-hao-2.jpg
ông Nguyễn Hoàng Hào, đại diện Chi hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (VBCS) chia sẻ về các nguyên nhân đe dọa chim di cư

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hào, đại diện Chi hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (VBCS) đã đề cập tới các mối đe dọa chim di cư và chính sách pháp luật bảo vệ chim di cư. Theo ông Hào, tại Việt Nam hiện nay đã ghi nhận được 918 loài chim, trong đó 9 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương và 44 loài sắp bị đe dọa. Riêng tại khu vực Đông Dương có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 12 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến các mối de dọa chim di cư là do nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi nuôi ngao và các hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn gần như bị biến mất ở nhiều tỉnh. Hàng ngàn ha rạn san hô, thảm cỏ biển ở Việt Nam đã mất đi do bị khai thác hoặc do nuôi trồng thuỷ sản bằng lồng bè trên mặt biển. Do áp lực lớn về lợi nhuận, hầu hết hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ven bờ và nội địa đã chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang thâm canh kém bền vững hơn, dẫn đến sự suy kiệt của rừng ngập mặn, mất sinh cảnh của nhiều loài chim nước và gây ô nhiễm môi trường.

chi-nga-1.jpg
Bà Nguyễn Thanh Nga – Quản lý Dự án Wild Act chia sẻ về kháo sát bẫy lưới chim tại 3 tỉnh thuộc Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là Thái BÌnh, Nam Định, NInh Bình

Cũng theo ông Hào, để ngăn chặn mối de dọa chim di cư, cần truyền thông phổ biến kiến thức pháp luật tới từng thôn bản, từng người dân, loa truyền thông, tờ rơi, pano… cần có các buổi tuyên truyền tập huấn cho cán bộ cấp phường, xã, thôn, bản. Đưa vào chương trình giáo dục trong các cấp học phổ thông, chương trình giáo dục trải nghiệm, tổ chức các buổi dã ngoại với trải nghiệm về nâng cao hiểu biết đối với chim hoang dã. Thực thi pháp luật phòng chống xâm hại tới chim hoang dã và động vật hoang dã nghiêm minh, cần có sự kiểm tra giám sát các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, cần có sự giám sát chéo giữa các tổ chức xã hội với cơ quan thực thi.

Về công tác tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức về chim di cư tại 3 tỉnh thuộc Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, bà Nguyễn Thanh Nga – Quản lý Dự án Wild Act chia sẻ: Bên cạnh việc thực thi pháp luật, công tác giáo dục, tuyên truyền về bảo tồn chim di cư rất quan trọng. Việc giáo dục để nâng cao nhận thức là cốt lõi, bởi để tăng cường thực thi pháp luật được thì phải đi từ gốc rễ, làm sao cho để người dân và các em học sinh biết được chim di cư có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như thế nào, lúc đó mới có thể đạt được những hành động thực tiễn.

hoi-nghi-4.jpg
Quang cảnh hội thảo

Hiện nay Wild Act đang tập trung giải pháp liên quan đến phát triển tài liệu giáo dục, tổ chức những buổi trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh và làm việc với các trường học. Với mục đích để làm sao đưa các thông tin của chim di cư vào trong trường học giúp các bạn học sinh hiểu được tầm quan trọng của chim di cư trong đời sống của con người. Những trải nghiệm thiên nhiên cùng các triển lãm về bảo tồn tại trường học là những nội dung mà trong tương lai wild act sẽ tập trung để các bên địa phương thúc đẩy quá trình bảo tồn chim di cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường tuyên truyền bảo vệ chim di cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO