Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh ở cá tra

18/02/2019 18:55

(TN&MT) - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 diễn ra ngày 18/02/2019 tại tỉnh An Giang do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các nhà khoa học, các doanh nghiệp…

tra1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2018 mặc dù ngành hàng cá tra gặp không ít khó khăn như: thuế chống bán phá giá POR 13 cao kỷ lục, Chương trình tranh tra cá gia trơn của Hoa Kỳ bước vào giai đoạn quan trọng, thị trường EU giảm sút do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi từ năm 2017, khó khăn trong phân phối tại thị trường Trung Đông… Nhưng nhờ biết tận dụng tốt các cơ hội để phát triển, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.400 ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%). Giá cá tra giống, cá nguyên liệu, giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao; cả người nuôi và  doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều có lãi. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 06 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc và Hồng Kông là quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất nhưng từ tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng. Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò là thị trường định hướng khi kim ngạch xuất  khẩu đạt 549,45 triệu USD (tăng 59,5% so với năm 2017), tiếp theo là Trung Quốc và Hồng Kông, đạt 528,657 triệu USD, tăng 28,7% so với năm 2017. EU giữ vị trí số 3 khi đạt 243,958 triệu USD, tăng 20,2%. so với năm 2017.  Với đà phát triển của ngành hàng cá tra năm 2018, trong năm 2019, Tổng cục Thủy sản dự báo, kế hoạch tăng trưởng năm 2019 sản lượng nuôi đạt khoảng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6% so với năm 2018); kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 2,4 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2018.

tra2
Quang cảnh Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra 2019

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho hay, năm 2018 là năm có nhiều niềm vui đối với những tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn như An Giang, với thắng lợi khá toàn diện từ sản xuất, đến chế biến, xuất khẩu, trong đó có đóng góp lớn của con cá tra. Riêng tại An Giang, năm 2018 ngành hàng cá tra đã có sự tăng trưởng mạnh cả về diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch và kim ngạch xuất khẩu. Trong những năm tới, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, địa phương và người nuôi, chắc chắn con cá tra sẽ tiếp tục phát triển, bơi xa vươn tầm thế giới.

Tại Hội nghị, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản nhận định, do giá cá tra cao cũng dễ dẫn đến những yếu tố bất lợi, như: mất kiểm soát vùng nuôi, tăng trưởng nóng làm cung vượt cầu; lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi; các nước có điều kiện đầu tư mở rộng vùng nuôi, cạnh tranh thị trường. Để đảm bảo phát triển ngành hàng cá tra cách bền vững, trọng tâm là phải cải thiện chất lượng con giống, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo chất lượng vùng nuôi, đa dạng hóa mặt hàng chế biến, ổn định giá và thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2018, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả ngoạn mục, với thành tựu phát triển cao và đồng bộ, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 40,2 tỉ USD, hầu hết các chỉ tiêu cốt lõi đều hoàn thành và vượt kế hoạch được giao. Riêng con cá tra là ngành hàng có sự đột phá lớn, dành thắng lợi trọn vẹn từ vùng nuôi, thu mua chế biến và xuất khẩu, chất lượng được nâng lên, thị trường đầu ra mở rộng; không chỉ những người tham gia chuỗi giá trị cá tra trong nước có niềm vui lớn mà cả đối tác phân phối mặt hàng cá tra trên thế giới cũng phấn khởi.

tra3
Năm 2018, do cá tra có giá nên người nuôi ở cá tra ở vùng ĐBSCL thắng lớn

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững trong năm 2019, các địa phương, doanh nghiệp, người ương nuôi cần phải tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là công tác kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và chất lượng sản phẩm; theo dõi sát diễn biến thời tiết khí hậu để kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn liền với tín hiệu thị trường; chỉ tổ chức phát triển sản xuất khi có hợp đồng đầu ra nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu và hiệu quả kinh tế; tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực trong công tác chọn tạo giống, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng, phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với các địa phương tham gia đề án giống cá tra 3 cấp cần chủ động triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản các vấn đề phát sinh để phối hợp xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh ở cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO