Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải
Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang cho thấy trên địa bàn tỉnh có khu công nghiệp Long Bình An với tổng diện tích 170 ha, 4 cụm công nghiệp (CCN): Sơn Nam (huyện Sơn Dương); An Thịnh (huyện Chiêm Hóa); Tân Thành (huyện Hàm Yên); Na Hang (huyện Na Hang) và một số cơ sở ngoài khu/CCN đang hoạt động, nhưng chỉ có khu công nghiệp (KCN) Long Bình An đang đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Tỉnh đã tiến hành thống kê các nguồn thải vào LVS Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy, cho thấy hiện có 187.015 điểm xả thải với tổng lượng xả là 45.112.240 m3/năm. Trong đó, huyện Sơn Dương có 44.246 điểm xả, với tổng lượng xả là 12.974.323,4 m3/năm, huyện Yên Sơn có 40.617 điểm, với tổng lượng 9.330.273,9 m3/năm, huyện Chiêm Hóa 31.202 điểm, với tổng lượng 6.591.670,5 m3/năm…
Trong khi đó, nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các khu đô thị, khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chiếm khoảng 45,7% tổng lượng xả thải trên toàn tỉnh, tương đương 20.332.610 m3/năm. Đặc biệt, Tuyên Quang còn đầu tư công trình xử lý ô nhiễm nước các hồ khu vực nội thành của TP. Tuyên Quang đang được triển khai các hồ: Xuân Hương, Minh Xuân và Tân Quang. Các hồ chứa được xây dựng 15 hố ga tập trung nước thải, đặc biệt tại hồ Xuân Hương và hồ Tân Quang, mỗi hồ có hai hệ thống XLNT với các bể xử lý đảm bảo nước thải sinh hoạt khu vực nội thành sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả xuống hồ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực đã được đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống XLNT đạt tiêu chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT (cột B) trước khi xả thải ra môi trường.
Một góc sông Lô trong xanh |
Qua điều tra nước thải của cơ sở xả thải tập trung tại các khu công nghiệp, bệnh viện... về cơ bản đã được xử lý trước khi xả ra môi trường ...một số đơn vị chăn nuôi tập trung lớn như trang trại bò sữa Tuyên Quang đã xử lý, hạn chế lượng nước thải không xả ra môi trường. Công trình xử lý nước thải tại thị trấn Vĩnh Lộc và thị trấn Na Hang đã đi vào hoạt động, dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho Khu công nghiệp Long Bình An đang được đầu tư xây dựng.
Hàng năm Sở TN&MT còn tiến hành quan trắc, phân tích chất lượng nước các sông Lô, Gâm và Phó Đáy 2 đợt là vào tháng 4 và tháng 12 tại đầu nguồn của 3 sông chính chảy vào địa bàn tỉnh Tuyên Quang: sông Phó Đáy (Trung Minh - Yên Sơn), sông Lô (Yên Lâm - Hàm Yên), sông Gâm (hồ thủy điện Tuyên Quang) và vị trí chảy ra khỏi địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Đội Bình - Yên Sơn).
Qua kết quả phân tích chất lượng nước 3 con sông trong 2 năm gần đây cho thấy, hàm lượng BOD5, COD, NH4+, kim loại nặng, chất rắn lơ lửng, colifom đều nằm trong tiêu chuẩn chất lượng nước mặt loại B, QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Như vậy, chất lượng nước sông trên địa bàn tỉnh đang dần bị suy giảm, tuy nhiên vẫn còn khá tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất, nhưng khi cấp cho sinh hoạt cần phải xử lý đạt tiêu chuẩn nước cấp.
Thực hiện đồng loạt các giải pháp
Để thực hiện công tác quản lý môi trường nước trên địa bàn tỉnh nói chung và môi trường nước LVS nói riêng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biế: Thời gian qua, Sở đã thực hiện dự án thăm dò, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, xây dựng bản đồ địa chất thủy văn tại xã Tứ Quận, Thắng Quân, Lang Quán (huyện Yên Sơn), với tổng kinh phí 3.284.593.000 đồng; Dự án Điều tra thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp kiểm soát, xử lý các nguồn nước thải trước khi xả thải vào sông Lô, sông Phó Đáy, tổng kinh phí là 1.038.337.000 đồng; Đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước, tổng kinh phí 941.875.095 đồng. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá tiềm năng nước dưới đất và đo vẽ thành lập bản đồ địa chất thủy văn, tỷ lệ 1/50.000 khu vực các xã phía Nam huyện Sơn Dương, với tổng kinh phí 6.493.100.000 đồng.
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; chấn chỉnh hoặc xử lý nghiêm các đơn vị có hoạt động xả nước thải chưa được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả vào sông Lô, bảo đảm không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống của nhân dân trong khu vực, nhất là nhân dân khu vực hạ lưu của nguồn thải. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc khoan thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trước ngay tại bờ kênh tại đồng ruộng |
Cùng với những kết quả tích cực, hiện theo Sở TN&MT Tuyên Quang sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn nhiều hạn chế. Tài liệu điều tra cơ bản phục vụ cho công tác quản lý còn thiếu và không đồng bộ. Đặc biệt là tài liệu địa chất thủy văn, công tác quản lý lưu vực sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy và sông Chảy còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong cùng lưu vực.
Trước khó khăn này, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT sớm triển khai Dự án quy hoạch LVS phía Bắc và xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong LVS nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước theo hướng tiết kiệm, bền vững. Ngoài ra cần xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa bậc thang trên cùng một dòng sông; có quy định hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát đối với các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn. ‘
Thái Bình