Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến tháng 6 năm 2020, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra 3 đợt mưa, đặc biệt từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 1 năm 2020 đã xuất hiện mưa dông kèm mưa đá. Hiện tượng mưa đá xảy ra trong tháng 1 là chưa từng quan sát được trong chuỗi số liệu đã qua. Tổng lượng mưa trong 24h từ đêm 24/1 đến ngày 25/01 tại Đồng bằng Bắc bộ đạt 80 mm đến 100 mm. Trong đó tại trạm Láng (Hà Nội) là 92mm đã vượt giá trị lịch sử.
Tăng cường phòng, chống ngập lụt, úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Ảnh minh hoạ |
Thực tế, năm 2020 diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, trái quy luật nhiều năm, mưa lũ lớn đã xảy ra ở các quốc gia lân cận.
Dự báo, trạng thái ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở pha trung tính và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020. Chính vì vậy, cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lớn dẫn đến ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở khu vực Bắc bộ, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.
Để chủ động phòng, chống ngập lụt, úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức xây dựng chi tiết kế hoạch phòng, chống ngập lụt, úng, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ trên cơ sở rà soát, khoanh vùng các diện tích khả năng bị ngập lụt, úng, công trình có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm bảo vệ diện tích đang sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng trũng, thấp.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, bão, lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để tổ chức vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020.
Tổ chức trực ban 24 giờ/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão để đề phòng sự cố công trình thủy lợi và kịp thời vận hành công trình tiêu úng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình mưa, lũ, bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
“Thường xuyên cập nhật tình hình mưa, nguồn nước, ngập lụt, úng và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua bộ phận thường trực của Tổng cục Thủy lợi) khi có mưa lớn xảy ra”, văn bản nêu rõ.