Tăng cường phối hợp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Linh Nga| 22/11/2019 16:41

(TN&MT) - Ngày 22/11, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã tổ chức Phiên họp lần thứ 13.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tấn Quốc cùng chủ trì Phiên họp lần thứ 13

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai; ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai; ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng chủ trì Phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay mặt Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai cho biết: Tại Phiên họp lần thứ 12, các tỉnh, thành trên lưu vực sông đã cùng nhất trí thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại mỗi địa phương để cùng nhau bảo vệ môi trường lưu vực sông. Song song với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai quản lý và xử lý các nguồn thải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông luôn được ưu tiên thực hiện với nhiều hình thức, đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành thuộc lưu vực vẫn được tiếp tục tăng cường thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống quan trắc chất lượng môi trường, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép khai thác tài nguyên được thực hiện thận trọng và tầm nhìn chiến lược để cùng bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn của chúng ta.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu khai mạc Phiên họp

Ông Lê Tuấn Quốc đề nghị, tại phiên họp này, cùng với việc đánh giá tình hình triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong năm 2019, các đại biểu cần tiếp tục cùng nhau nhìn nhận, trao đổi và thống nhất các vấn đề còn đang vướng mắc trong việc quản lý tổng hợp lưu vực sông.

Qua đó, sẽ cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tối ưu, hữu hiệu cho các vấn đề về bảo vệ nguồn nước mặt, phối hợp xử lý các vấn đề liên tỉnh, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn trong quá trình quản lý lưu vực sông, chia sẻ thông tin và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ môi trường nước mặt tại các địa phương.

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban sông Đồng Nai, kết quả giám sát chất lượng môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho thấy dòng chính các sông cơ bản được duy trì ổn định tuy còn một số khu vực hạ lưu vẫn còn bị ô nhiễm cục bộ bởi chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chất lượng nước các sông, kênh rạch hạ nguồn tuy còn ô nhiễm cục bộ nhưng từng bước dần được khống chế.

Trong năm 2019, hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu được các tỉnh, thành phố chú trọng đầu tư, đặc biệt là tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và hệ thống tiếp nhận thông tin, dữ liệu quan trắc tự động liên tục từ các đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động nước thải. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai thực hiện hiệu quả. 11/11 tỉnh, thành phố tiếp tục thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập kế hoạch quản lý.

Trong đó, gắn với việc yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục nước thải theo quy định. 9/11 địa phương đạt tỷ lệ 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt tại các địa phương có số lượng KCN lớn như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An,… Chỉ tiêu này có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của các địa phương.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 13 Ủy ban sông Đồng Nai

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị và vệ sinh môi trường nước đã được đẩy mạnh. Trong đó, đã có nhiều công trình, dự án tiếp tục được xây dựng, hoàn thành và đi vào sử dụng như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu đô thị mới Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) có công suất khoảng 29.700 m3/ngày cùng mạng lưới thu gom nước thải có tổng chiều dài khoảng 123km.

Cùng với đó, xây dựng dự án xử lý nước thải đô thị cho thị trấn Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Hưng (Long An) với công suất thiết kế 1.300 m3/ngày. Ngoài ra, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên (Bình Dương)... sẽ góp phần khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường nước cục bộ tại các đô thị.

Công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp tiếp tục được quan tâm, bao gồm: thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm, thẩm định, cấp phép, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng được các cơ quan quản lý môi trường địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và lưu vực sông được quan tâm và phối hợp giải quyết. Các địa phương đã chủ động tăng cường phối hợp trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường và đã đạt được một số kết quả: tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò (Bình Dương - TP. HCM) được kiểm soát, chất lượng nước kênh được cải thiện đáng kể; nguồn nước sông Ui, sông Giêng (Đồng Nai - Bình Thuận) cơ bản được kiểm soát, không còn xảy ra tình trạng cá chết.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ủy ban sông Đồng Nai, đến nay, tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải (là chỉ tiêu rất quan trọng) nhưng có đến 10/11 địa phương không đạt; đồng thời hiện chỉ có 2/11 tỉnh đạt trên 50% theo mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn lưu vực.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp thứ 13, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT đánh giá cao hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai trong nhiệm kỳ V (giai đoạn 2019-2020), cùng với sự chung sức phối hợp giữa các Bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể trong nỗ lực giải quyết triệt để ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thông qua các hoạt động đã được triển khai tích cực như: đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu.

Đồng thời, công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai thực hiện hiệu quả; xây dựng, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường; đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp; phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng trên lưu vực sông.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành, nội thị và ô nhiễm do nước thải sản xuất vẫn diễn biến phức tạp; việc huy động các nguồn lực tài chính nhằm triển khai các nhiệm vụ, dự án còn khó khăn; sự phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài ra, hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn xảy ra, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, trong đó, UBND các tỉnh, thành phố còn chưa có hoặc chưa triển khai có hiệu quả Kế hoạch Quản lý tổng hợp lưu vực sông; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chưa được đẩy mạnh.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, cùng với các địa phương, tỉnh Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng nỗ lực phối hợp triển khai giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các khu vực giáp ranh, thực hiện khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; phối hợp với các chuyên gia khoa học, các ngành chức năng đánh giá tìm ra nguyên nhân cá chết ở sông La Ngà và có kế hoạch quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên lưu vực các sông.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam với diện tích mặt nước là 270km² và 45,6km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước. Hồ Dầu Tiếng không chỉ giữ nhiệm vụ cung cấp nước nông nghiệp các vùng kinh tế trọng điểm mà còn trực tiếp cung cấp nước sinh hoạt cho một vùng rộng lớn, trong đó có hàng triệu người dân TP.HCM thông qua hệ thống sông Sài Gòn.

Do đó, thời gian qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước, trong đó, đã tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng trong việc chấp hành thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo vệ nguồn nước đạt đúng tiêu chuẩn về môi trường. Ngoài ra, Tây Ninh cũng tăng cường đâu tư hệ thống quan trắc nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các đề xuất và kiến nghị của Ủy ban sông Đồng Nai đã đề ra trong Phiên họp trước, gồm: Đề án thành lập Ủy ban lưu vực sông trên cả nước, trong đó có Ủy ban sông Đồng Nai trên cơ sở kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 807/QĐ-TTg.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nội dung "Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải" tại Quyết định số 140/QĐ-TTg; Kế hoạch Quản lý tổng hợp lưu vực sông tại địa phương; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chúc mừng ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhiệm kỳ VI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, vấn đề an ninh môi trường, nguồn nước hiện nay đang trở thành vấn đề cấp thiết, nên hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, triển khai xây dựng các đề án về quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch quan trắc môi trường để giải quyết tốt các vấn đề về môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch xử lý chất thải rắn và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ lưu vực hệ thống Đồng Nai nói riêng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung.

Tại Phiên họp, đã diễn ra Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai từ Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sang Chủ tịch UBND tỉnh Long An. Chủ tịch UBND tỉnh Long An sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhiệm kỳ VI (2020-2021) và cũng là nhiệm kỳ tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2020.

Cũng tại Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban sông Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết Quy chế phối hợp về Quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa hai địa phương.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất nước ta, chảy qua 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai cung cấp cho khoảng 17 triệu dân ở lưu vực sử dụng sinh hoạt và lao động, sản xuất hằng ngày. Tuy nhiên, môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nên cần có những giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 phê duyệt “Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” (Đề án sông Đồng Nai). Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập theo Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện Đề án sông Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phối hợp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO