Tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra đối với 2.945 cơ sở, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt đối với 1.381 tổ chức vi phạm với số tiền phạt trên 200 tỷ đồng. Cũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 62 cơ sở sản xuất xả nước thải không qua xử lý; xử lý, đình chỉ đối với 38 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tước Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (CTNH) đối với 6 đơn vị...; tham mưu giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc "nóng” về môi trường.
Đơn cử như, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra Công ty Huyndai Vinashin phát hiện Công ty này không chấp hành nghiêm túc các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và để tồn lưu một khối lượng khổng lồ hạt nix thải, đe dọa ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra phát hiện Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến dưới 5 lần với thải lượng nước thải trên 5.000m3/ngày đêm (nước thải có độ màu vượt 6,86 lần, COD vượt 3,35 lần và BOD5 vượt 2,51 lần tiêu chuẩn cho phép). Gần đây nhất, năm 2014 vụ việc của Trung tâm Xử lý nước thải Khu công nghiệp dệt may Phố Nối (Hưng Yên) bị phát hiện xả lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát sau khi ban hành các kết luận thanh tra, kiểm tra. Ảnh: MH |
Việc phát hiện và xử phạt nặng những hành vi gây ô nhiễm đã khiến các doanh nghiệp có chuyển biến trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở được nâng lên.
Theo đánh giá của Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Tổng cục Môi trường, thời gian qua, công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tăng cường, tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ. Qua đó, nhiều vụ việc phức tạp vi phạm về bảo vệ môi trường nghiêm trọng đã được xử lý và đưa tin rộng rãi trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn cả nước phải quan tâm và thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Từng bước đổi mới, hoàn thiện pháp luật thanh tra môi trường
Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, điều quan trọng, cần thiết là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về môi trường và tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về môi trường.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường sẽ tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từng bước đổi mới, hoàn thiện pháp luật thanh tra theo hướng chủ động, linh hoạt cho hoạt động thanh tra chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra chuyên ngành hiệu quả, đúng pháp luật. Sớm hoàn thiện hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý về môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra theo chương trình, kế hoạch, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm gây bức xúc, nổi cộm về ô nhiễm môi trường xảy ra ở các địa phương theo chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, tập trung rà soát các cơ sở đã đi vào hoạt động mà chưa có xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường để kiến nghị xử lý nghiêm, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng, buộc các cơ sở phải đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo các chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải được thu gom vào hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép trước khi xả ra ngoài môi trường.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, sẽ rà soát các quy định của pháp luật để xác định rõ và hạn chế chồng chéo giữa hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương. Tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát sau khi ban hành các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Thảo Linh