Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh chụp màn hình |
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: Dự thảo Chỉ thị đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể: Nắm bắt thực trạng và nhu cầu nhà vệ sinh công cộng khu vực đô thị, rà soát xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, phì hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng các quy định chung của quốc tế và ASEAN. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ trong đầu tư, quản lý, vận hành nhà vệ sinh công cộng khu vực đô thị theo hướng thông minh, xanh - sạch - đẹp, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo mỹ quan, sinh thái, thân thiện với thiên nhiên, phù hợp văn hóa địa phương.
Đồng thời, huy động nguồn lực, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư, vận hành nhà vệ sinh công cộng khu vực đô thị. Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng và tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm các tổ chức, các nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Chỉ thị, Bộ Y tế cần đánh giá rủi ro, tác động từ hành vi vệ sinh cá nhân và nhà vệ sinh không đúng quy định và đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân; rà soát, sửa đổi, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các điều kiện đảm bảo vệ sinh đối với nhà tiêu hộ gia đình, nhà vệ sinh công cộng. Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai nhân rộng các mô hình công nghệ nhà vệ sinh công cộng đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ TN&MT rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đất đai theo hướng ưu đãi, hỗ trợ về cho thuê, mượn đất đối doanh nghiệp đầu tư các công trình công ích; xây dựng và ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật phù hợp cho đầu tư và vận hành các mẫu nhà vệ sinh công cộng khu vực đô thị; hướng dẫn quy trình quản lý, vận hành, khai thác nhà vệ sinh công cộng; hướng dẫn thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà vệ sinh công cộng; rà soát, bổ sung quy định về xử lý nước thải, bùn thải đối với nhà vệ sinh công cộng.
UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung về nhà vệ sinh công cộng vào quy hoạch đô thị; ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, quản lý, vận hành nhà vệ sinh công cộng. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành có trách nhiệm bố trí nhân lực theo dõi, quản lý công tác vệ sinh, tổ chức thu gom chất thải và hoạt động vệ sinh môi trường; xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, có phương tiện, thiết bị thu gom.
Góp ý tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung thời gian thực hiện, thời hạn hoàn thành cho mỗi nhiệm vụ. Về nội dung “Rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều kiện đảm bảo vệ sinh đối với nhà tiêu, hộ gia đình, nhà vệ sinh công cộng” thì các quy chuẩn cũng cần tiệm cận với các quy chuẩn của các nước ASEAN và các quốc gia phát triển, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Theo đó, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về nhà vệ sinh công cộng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khuôn viên của bệnh viện, cơ sở y tế và có trách nhiệm kiểm tra công tác vận hành, quản lý nhà vệ sinh tại bệnh viện, cơ sở y tế. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành tiêu chuẩn đối với nhà vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan, du lịch và các điểm phục vụ du khách
Theo Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: Về tiêu chuẩn kỹ thuật nhà vệ sinh cần chỉ rõ các nội dung còn thiếu so với tiêu chuẩn quốc tế và Asean. Dự thảo tờ trình nên bổ sung đánh giá chung thực trạng của nhà vệ sinh công cộng ở đô thị tạị trường học, bến xe, các điểm du lịch,… Ngoài ra, liên quan đến cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và các cơ chế tiếp cận nguồn vốn trong xây dựng và vận hành nhà vệ sinh công cộng cần có đánh giá các tồn tại, hạn chế của các chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách về đất đai trong việc cho thuê, giao đất.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Chỉ thị dựa trên các góp ý của các Bộ và các đơn vị. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường cần nghiên cứu, đưa lộ trình thực hiện vào trong nhiệm vụ giải pháp; phối hợp với Tổng cục quản lý đất đai để làm rõ hơn các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách về đất đai.