Cầy vằn (Chrotogale owstoni) chỉ phân bố tại Lào, Việt Nam và một phần rất nhỏ ở miền nam Trung Quốc, được xếp vào nhóm Nguy cấp trong Sách đỏ IUCN và nằm trong nhóm IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Ước tính chỉ trong 3 thập kỷ qua, loài này đã bị giảm đến 50% số lượng ngoài tự nhiên do tình trạng săn bắt quá mức và suy thoái môi trường sống do hiện tượng chặt phá rừng trái phép.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ về tình trạng loài, xác định các thách thức và ưu tiên bảo tồn, đồng thời, thảo luận khung thực thi hành động để kế hoạch bảo tồn cầy vằn đạt kết quả cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife cho biết hiện không có số liệu cụ thể về số lượng cầy vằn ngoài tự nhiên và tuy có chương trình nuôi nhốt để bảo tồn tại VQG Cúc Phương (18 cá thể) nhưng từ năm 2014 đến nay chưa có ca sinh sản nào thành công, quần thể nuôi nhốt đang già đi và đối mặt với bệnh tật.
Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc VQG Pù Mát, sinh cảnh của cầy vằn chủ yếu ở vùng núi cao - nơi người dân tộc thiểu số cư trú - nên cần nâng cao nhận thức cho người dân để họ không săn bắn, đồng thời xử lý nghiêm các vụ mua bán, vận chuyển ĐVHD nói chung, cầy vằn nói riêng. Hiện quần thể cầy vằn ngoài tự nhiên đứng bên bờ vực nên cần có chương trình sinh sản, nhân nuôi để tái thả vào tự nhiên.