Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn Hà nội và địa phương lân cận. Tại các đầu cầu ở 62 địa phương trên cả nước có sự tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng PolyCom của VNPT của trên 1.500 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở/Ban/Ngành và doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hiệp định đưa ra định hướng về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EVFTA; Thông tin về nhu cầu nhập khẩu các nước thuộc EVFTA.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bộ Công Thương cho biết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia, cam kết một cách bình đẳng với đối tác phát triển về mọi mặt. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường bền bỉ với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành, trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò chủ trì điều phối, với mục tiêu góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung.
Qua đó, Bộ Công Thương cũng đã có Kế hoạch chi tiết, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta cũng như nhiều thị trường trên thế giới đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19.
Điều quan trọng nhất từ Hội nghị này là nhằm tạo được nhận thức thực sự đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về những cơ hội, nhưng đồng thời với đó cũng là những thách thức, những yêu cầu đòi hỏi đối với doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Thông qua Hội nghị này giúp xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc quán triệt và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hiệu quả việc thực thi Hiệp định, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định.
Để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích, cơ hội mang lại từ EVFTA, Bộ Công Thương đã và sẽ liên tục có những biện pháp để phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị này chỉ là một trong những hoạt động trong kế hoạch chung đó.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang chủ động và tích cực triển khai các công việc sau để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định:
Phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi có hiệu lực. Riêng đối với các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ cũng đã chủ động triển khai từ rất sớm và hiện đang trong quá trình thẩm định cuối cùng, bảo đảm ban hành đúng thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
Nghiên cứu, đánh giá cụ thể về cơ hội tiếp cận thị trường EU nói chung và thị trường từng nước thành viên nói riêng đối với những ngành hàng/mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế hoặc tiềm năng và từ đó đề ra những chiến lược, giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả với mục tiêu giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ quản lý địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung quan trọng của Hiệp định, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đủ và hiểu đúng để từ đó nâng cao tính hiệu quả trong việc thực thi Hiệp định.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực với các chương trình hỗ trợ, cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với cam kết quốc tế, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Theo đó tăng cường hoạt động của các Chương trình Công nghiệp phụ trợ, Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia... để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động kết nối doanh nghiệp và thị trường, cung cấp thông tin thương mại, truyền thông quảng bá sản phẩm thế mạnh, năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam, mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực thị trường EU.
Về mặt đối ngoại, Bộ Công Thương chủ động và tích cực trao đổi với EU về công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định, ví dụ như phối hợp với EU trong việc xây dựng và hoàn thiện quy trình cấp hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.