Tầm mắt đại dương

Phương Anh| 17/05/2022 12:56

(TN&MT) - Phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là chìa khóa dẫn tới thịnh vượng của nhân loại trên Trái đất. Để vươn ra biển lớn, phải thay đổi “tâm thế lục địa” bằng “tầm mắt đại dương".

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH" được tổ chức tại Hà Nội, ngày 12 - 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cảnh báo: "Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc".

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với BĐKH là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Chúng ta tự hào là một quốc gia biển. Biển ôm suốt chiều dài đất nước với hơn 3.000km bờ biển. Ngoài biển, Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và hơn 1.000.000km2 lãnh hải thuộc chủ quyền, dân tộc Việt Nam. Thế hệ cha ông từng dựa vào thế biển để làm nên bao kỳ tích chống ngoại xâm. Tuy nhiên, cho đến tận thế kỷ 20, khát vọng vươn ra biển mới đạt phàn nào hiện thực.

ha-long.jpg

Bước sang thế kỷ 21, trong công cuộc đổi mới, Việt Nam thay đổi tư duy "lấy đất liền nuôi biển", chuyển sang "lấy biển nuôi đất liền". Cũng ở đó, “thế trận tiến ra đại dương” đã hình thành các mũi xung kích, song điều còn trăn trở là các kế sách ấy cần một “tổng chỉ huy” tài năng và sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều đầu mối khác nhau. Bởi lẽ, kinh tế biển đến nay mới chỉ có một số quy hoạch của từng ngành liên quan. Các tỉnh ven biển có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển chưa được thiết kế cụ thể, còn thiếu tính hệ thống ở tầm quốc gia.

Chính vì thế, mới tồn tại nhiều nghịch lý là chúng ta giàu tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, nhưng do phương thức khai thác, quản lý kém hiệu quả nên chưa giàu và mạnh từ biển, gây lãng phí lớn về tài nguyên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặc dù, nhận thức về vai trò biển đảo đã rõ, nhưng nhận thức cụ thể cho đúng tầm trong từng giai đoạn phát triển còn nhiều trăn trở. Tiến ra biển không thể chỉ là khát vọng mà còn là khả năng. Khai thác tiềm năng tài nguyên từ đồng bằng đã rất khó khăn và cần nhiều tiền của, trí tuệ, sức lực; khai thác tài nguyên từ biển còn cần nhiều hơn thế.

Hôm nay, ra khơi xa như một mệnh lệnh. Không ra khơi xa, không bắt được "cá lớn". Để triển khai hết gân sức kéo căng cánh buồm thời đại, đón gió đại dương phải dám nhìn lại mình, biết rũ bỏ những yếu kém của chính mình. Đấy là bản lĩnh của người biết chủ động đón nhận thách thức, biến thách thức thành vận hội để đưa đất nước bứt lên.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Nghị quyết số 36/NQ-TW được đánh giá là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Có một chiến lược biển đúng đắn chính là cơ sở và điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự ghi nhận một bứt phá trong sự nghiệp phát triển đất nước trên tiến trình chủ động hội nhập đang đi vào chiều sâu.

Với tâm thế ấy, thế hệ con cháu Lạc Hồng đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của một Việt Nam với bao bộn bề lo toan trong hội nhập - một Việt Nam ba phần tư là biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm mắt đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO