Tài nguyên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS.TS Nhà văn Nguyễn Thanh Tú| 03/08/2022 23:35

Là tài sản, là nguồn lực cơ bản nên bất kỳ quốc gia nào cũng đều rất coi trọng tài nguyên. Trong quan điểm về tài nguyên, Bác Hồ đóng góp cho thế giới cách hiểu rất hài hòa,

Trong đó nhấn mạnh nhân tố con người, coi “tài nguyên con người” là “vốn quý nhất”: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta” (1). “Phải đảm bảo an toàn lao động vì người lao động là vốn quý nhất” (2)... Di chúc bất hủ sáng mãi chân lý: “Đầu tiên là đối với con người...”. Tư tưởng này chính là hạt nhân của triết học con người ở thời hiện đại.

Theo Bác, tài nguyên vật chất cơ bản nhất, quý nhất là “đất” và “nước”: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh” (3). Rất nhiều lần Người nhắc lại thành ngữ “Tấc đất tấc vàng” như nhấn mạnh tài nguyên thiên nhiên thứ nhất đối với nền văn minh nông nghiệp là đất đai. Thực ra, đến thế kỷ XX thế giới mới chú ý đến tài nguyên nước. Việt Nam ta có Luật Tài nguyên nước từ năm 1998. Nhưng Bác đã nhấn mạnh điều ấy từ cuối những năm 50 ở thế kỷ trước.

t4.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (ngày 19/5/1955), Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ ba (23/5/1958), Bác có bài phát biểu quan trọng, trong đó nổi bật lên mấy câu thơ: “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ”. Bốn câu thơ cấu trúc theo lối nhân quả, nguyên nhân (vì): Núi trọc như đầu bình vôi, dẫn đến hậu quả (nên): Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/ Hàng năm hạn hán tan hoang/ Người người đói rách, làng làng xác xơ. “Núi trọc như đầu bình vôi” vì không trồng rừng hoặc rừng bị phá, nên dẫn đến hậu quả như đã nêu. Chỉ có một câu (đầu) chỉ nguyên nhân nhưng có tới ba câu (sau) chỉ hậu quả. Một ý nghĩa bật ra: Muốn no ấm thì phải trồng rừng, trồng thật nhiều rừng!

Tháng 12/2009, tại Copenhagen (Đan Mạch), thế giới tổ chức Hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến trái đất nóng lên, như khí thải công nghiệp quá mức cho phép, nạn đốt rừng, phá rừng bừa bãi… Và cũng đưa ra biện pháp khắc phục là “trồng rừng”. Hội nghị này có lẽ không biết rằng, 50 năm về trước có một người Việt Nam đã tiên phong đi trước bàn đến những điều ấy. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với một tầm nhìn đi trước thời đại, Người cùng đồng bào mình phát động phong trào trồng cây. Tháng 1/1959, Người viết bài báo lịch sử Tết trồng cây kêu gọi người người trồng cây, nhà nhà trồng cây “việc này ít tốn kém mà lợi ích lại nhiều”. Không chỉ lợi ích về mặt kinh tế, “cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”. Chính Người gương mẫu tự trồng cây, chăm sóc cây, quý mến cây. Nơi ở của Người luôn rợp mát bóng cây và ngan ngát hương hoa.

Điều đáng quý hơn là Người để lại bài học về lối ứng xử rất có văn hóa với tài nguyên. Nói chuyện với nhân dân, cán bộ tỉnh Phú Thọ (ngày 18/8/1962), Người nói: “Người tốt với đất, thì đất tốt với lúa. Đất tốt với lúa thì lúa tốt với người. Đồng bào cần làm thêm phân bón, kiên quyết xóa bỏ cái tệ cấy chay và chú ý chống xói lở” (4). Tức, không chỉ biết sử dụng đất, con người còn phải biết chăm sóc đất, làm giàu cho đất. Bác Hồ chủ trương từ rất sớm ý thức khai thác đi đôi với bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch, hiệu quả tài nguyên rừng. Bên cạnh việc trồng mới, khai thác rừng còn phải biết “đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng”. Người nhắc nhở vì “Rừng vàng, biển bạc” nên “chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Người căn dặn công nhân, cán bộ ngành than vì than là “vàng đen” rất quý nên phải biết khai thác hợp lý, tiết kiệm. Người dặn dò ngành thủy hải sản, “Ngoài việc đánh cá phải chú ý đến nuôi cá”. Đó là cách ứng xử vừa khoa học, mới mẻ, vừa rất truyền thống đúng với bản sắc Việt, nhân ái, tình cảm trước sau không chỉ với con người, còn là với cả công việc, với mọi sự vật, hiện tượng!

Hơn thế, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn tài nguyên quý báu nhất là con người, tài nguyên tinh hoa nhất trong tất cả các tài nguyên chính là con người!

t4a.jpg

Ngay sau khi giành được độc lập ít ngày, trên báo Cứu quốc số 411, Người viết bài báo Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức” (5). Bài báo ngắn nhưng ý nghĩa thật to lớn, rộng dài. Nó toát ra cái tình tin dân, trọng dân, nhất là tư tưởng dân chủ phổ quát cho mọi thời đại: mọi nguồn lực đều có ở dân, vấn đề là biết cách tìm ra và sử dụng nguồn lực ấy có vì dân không. Thế nên Người kịch liệt phê phán những cán bộ cơ hội: “Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia”. Người dạy cán bộ phải biết học dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi” (6).

Triệt để tuân theo nguyên tắc “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng” (7). Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng biện chứng đầy ắp chất sống thực của cuộc đời: nhân dân muốn đảm bảo được quyền làm chủ thì cần có Đảng lãnh đạo. Đảng muốn giữ vai trò cầm quyền thì phải “lấy dân làm gốc”. Phải nắm chắc nguyên lý: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Với dân, Bác Hồ mong muốn mỗi người dân học tập nâng cao tri thức để làm chủ được tốt hơn, để hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bác dạy “quan tham vì dân dại”, dân hiểu biết thì quan tự phải “liêm”. Như vậy, nguồn lực trí tuệ từ dân còn góp phần làm trong sạch, liêm chính hóa bộ máy Nhà nước!

Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên về khả năng tập hợp và phát huy một cách cao nhất sức mạnh quần chúng để tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và triệt để chưa từng có trong lịch sử, diễn ra trong khoảng thời gian nhanh nhất (hơn một tuần lễ), trong khoảng không gian dài rộng nhất (từ Bắc chí Nam). Họ khâm phục tư tưởng vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy của Hồ Chí Minh. Chính điều ấy là điểm tựa vững vàng giúp Người có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài, nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Không chỉ là tinh thần nhân văn cao cả, còn là tầm trí tuệ hiếm có sâu thẳm một tình yêu nước, yêu dân lớn lao. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại. Trên hết là một tư tưởng lớn coi dân là nguồn tài sản lớn nhất để kiến thiết quốc gia, để đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Thế nên lời của Bác Hồ không chỉ vang vọng ở đất nước mình, còn vang vọng khắp năm châu, “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Đó là tư tưởng con người, là nguồn lực vĩ đại và vô tận nên tất cả đều vì con người!

-----------

Các dẫn chứng đều trích từ Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb Chính trị Quốc gia. (1), tập 13, tr 70; (2), tập 11, tr 591; (3), tập 12, tr. 283; (4), tập 13, tr. 444; (5), tập 4, tr 504; (6), tập 8, tr 101; (7), tập 10, tr 572.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên trong tư tưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO