“Đau đầu” xử lý chất thải xây dựng
Tại các đô thị lớn, không khó để bắt gặp các bãi chất thải xây dựng trái phép của người dân hay chủ đầu tư các công trình. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, UBND thành phố ước tính mỗi ngày phát sinh trên 2.000 tấn chất thải rắn xây dựng, chưa kể phát sinh từ những dự án giao thông trong dân sinh.
Tại Hội thảo “Quản lý chất thải rắn xây dựng hướng tới phát triển bền vững" do Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường” mới đây, các chuyên gia cho biết, các điểm trung chuyển chất thải rắn xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Mặc dù trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu quy định, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Nhưng, tại các thành phố lớn, điển hình ngay tại Thủ đô Hà Nội, người dân khó có thể tìm được 1 điểm tập kết loại chất thải này.
Ứng dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải rắn xây dựng
Theo PGS.TS.Nguyễn Thanh Sang, Giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải, hiện nay đã có công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Công nghệ trên cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi.
Việc đưa công nghệ này vào ứng dụng tại Việt Nam sẽ giải được bài toán tận dụng được nguyên liệu cát tái chế trong bối cảnh tài nguyên cát đang cạn kiệt; ô nhiễm môi trường do quá trình vận chuyển và quá tải tại các bãi tập kết.
Còn theo ông Đỗ Văn Toan - Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ sản xuất Toàn cầu: “Với việc sử dụng công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng giá thành chỉ bằng 30% so với thuê đổ như hiện nay”.
Bên cạnh đó, nếu làm tốt công tác tái chế chất thải xây dựng Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn chi cho việc xử lý chất thải rắn như hiện nay. Bởi, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25-30% là rác thải xây dựng.
Theo các nhà khoa học, hai loại sản phẩm tái chế có khối lượng lớn nhất trong xây dựng là bê tông, nhựa đường đều hữu ích và có thể được sử dụng cho một loạt các dự án với các chức năng khác nhau. Nhựa đường được thu hồi có thể được sử dụng ở dạng cốt liệu đã được nghiền nát như một màng bán thấm cho mặt đường hay trở thành vật liệu nền hoặc vật liệu độn. |